Cú lội ngược dòng ngoạn mục

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, không ít nền kinh tế suy giảm tăng trưởng. Dù không tránh khỏi những tác động bất lợi, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống cảng biển đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Hệ thống cảng biển đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

THEO báo cáo mới được Ban Kinh tế Trung ương công bố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt mức cao hơn 8%. Mức tăng trưởng này dường như cũng tương đương với dự báo của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế trước đó. Gần đây nhất, đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022, tăng so mức 6,5% công bố hồi tháng 9.

Trong tháng 11, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,3% so tháng trước, tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2022, IIP tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9%, sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, khai khoáng tăng 6,5%. Một số sản phẩm công nghiệp nổi bật như: bia các loại tăng 34,9%; ô-tô tăng 17,3%; xe máy tăng 10,8%; quần áo mặc thường 8,4%; giày dép da tăng 9,7%...

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% và cao nhất trong 5 năm qua. Ước cả năm, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 tăng 11,4%, tương đương khoảng 34% GDP.

Đối với lĩnh vực xuất-nhập khẩu, năm 2007, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng trị giá xuất-nhập khẩu cả nước mới đạt 100 tỷ USD. Bốn năm sau, con số này đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Đến năm 2017, vượt mốc 400 tỷ USD và cột mốc 600 tỷ USD được ghi nhận vào năm ngoái. Đến giữa tháng 12/2022, tổng trị giá xuất-nhập khẩu hàng hóa đã vượt mốc 700 tỷ USD.

Một trong những điểm sáng càng tô đậm ấn tượng bức tranh kinh tế, đó là thu ngân sách nhà nước. Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... ; tuy nhiên, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so cùng kỳ năm trước. Dự kiến hết năm 2022, thu ngân sách nhà nước vượt hơn 20% dự toán.

Đặc biệt, với độ mở lớn của nền kinh tế, khoảng 200% (kim ngạch xuất-nhập khẩu tính trên quy mô GDP), chịu áp lực lạm phát tăng cao, song, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,02%; dự kiến cả năm dưới 4%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Bình luận về CPI bình quân của Việt Nam 11 tháng qua, các chuyên gia cho rằng: Trước hết, lạm phát giữ được như vậy sẽ giúp ổn định cuộc sống của người dân, giá cả hàng hóa không tăng lên. Thứ hai, giá không tăng thì yếu tố đầu vào của các nhà sản xuất sẽ không chịu áp lực. Thứ ba, lạm phát thấp là yếu tố giúp chúng ta ổn định được các chỉ tiêu khác của kinh tế vĩ mô như: ổn định tỷ giá, kiểm soát nợ công, không làm tăng bội chi…

Với những thành tựu nổi bật, được thể hiện rõ nét qua những con số biết nói, có thể khẳng định, đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những khó khăn lớn và biến động phức tạp. Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế.