Miễn có việc, khó khăn cũng không nề hà!
Sau khi kết thúc công việc giúp việc nhà của hai gia đình, Phạm Thị Ngọc Thắng tranh thủ đón con. Lúc này là 5 giờ chiều, cơn nắng chói chang của tháng 4 cũng bắt đầu dịu bớt. Chị Thắng tranh thủ cho tụi nhỏ ăn nhẹ rồi nấu bữa cơm tối trước khi bắt đầu dọn kho nhà xưởng cho một gia đình ở gần nhà.
Dù là ngày thứ bảy nhưng dáng vẻ Thắng luôn tất bật, hết việc này rồi việc khác, xoay như chong chóng cả ngày nhưng chia sẻ công việc hoàn toàn mới này với tôi, ánh mắt chị lại ánh lên niềm vui vì “có việc mình sẽ không đói”! Thắng kể, 25/2 là ngày làm việc cuối cùng của chị cũng như gần 2.400 công nhân khác tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam.
Do công ty không có đơn hàng nên thông báo sa thải một số bộ phận. Tất cả công nhân diện nghỉ việc vẫn được hưởng lương cho đến cuối tháng 3 dù không đi làm và nhận được một khoản trợ cấp riêng từ công ty tùy theo thâm niên làm việc. Trong khi nhiều công nhân còn nghỉ xả hơi, về quê thăm nhà chờ đến ngày làm thủ tục nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì Thắng xắn tay…“giúp việc nhà”.
Mỗi ngày giúp việc nhà ba nơi, thời gian rỗi Thắng còn nhận đưa đón các cháu nhỏ con của người quen đi học nên mỗi tháng kiếm được khoảng chục triệu đồng.
“Nghề này hơi cực vì loay hoay làm cả ngày nhưng thu nhập cũng chỉ bằng thời làm công nhân. Làm gì em cũng chẳng nề hà miễn là có việc làm, lo được cho con cái ăn học”, Thắng chia sẻ.
Tiền lương chi phí vào khoản thuê nhà cùng với tiền chợ coi như vừa đủ, tiền học của hai con lấy từ thu nhập của chồng làm thợ làm cửa sắt.
Mới đây, nhận được tiền hỗ trợ nghỉ việc 83 triệu đồng do công ty chuyển vào tài khoản, Thắng bàn với chồng dứt khoát không “đụng” vào, để dành sau này còn lo cho con học hành và trang trải khi cần. Đồng thời, Thắng sẽ kiếm việc làm mới ổn định hơn, đóng các chế độ để còn có lương.
Cũng nằm trong diện bị sa thải do công ty thu hẹp sản xuất, chị Lê Thị Phượng, công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) có thâm niên 15 năm làm khâu may đế giày khá vất vả khi tìm việc mới. Sau khi nhận thông báo nghỉ việc đầu tháng 11 năm ngoái, chị Phượng đến các Trung tâm giới thiệu việc làm tìm việc.
Từ phụ quán ăn, giúp việc theo giờ đến nhận hàng về nhà may gia công, việc nào chị cũng thử, miễn là có thu nhập nuôi mình và gửi chút đỉnh về quê cho mẹ già. Mới đây, chị Phượng được một cơ sở may gia công quần áo ở quận Bình Tân kêu đi làm. Ráp đồ dù hơi khác so với may đế giày nhưng chỉ cần học một thời gian là quen việc.
Mỗi sản phẩm chủ trả 40 nghìn đồng, so với hồi đi làm ở Công ty Tỷ Hùng, thu nhập sụt vài triệu nhưng hằng tháng khéo thu xếp vẫn đủ tiền thuê phòng trọ, ăn uống, chỉ là không dư được để dành như trước kia…
Dù không rơi vào “cơn bão” mất việc nhưng hơn một tháng qua Bùi Xuân Ngọc, công nhân Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc (quận 12) cùng 2.500 công nhân không còn làm tăng ca do đối tác từ nước ngoài cắt giảm mạnh đơn hàng. Thu nhập giảm nhiều trong khi gánh nặng nhà trọ, việc làm của vợ bấp bênh, để trang trải, nuôi con ăn học nên Ngọc nhận làm là ủi công nghiệp.
Tranh thủ sau giờ làm, anh tạt qua cơ sở may mặc gần nhà làm từ 4 giờ 30 phút chiều đến 8 giờ tối, mỗi buổi tiền công 120 nghìn đến 130 nghìn đồng, xem như có thêm chi phí đổ xăng đi lại.
Suy thoái kinh tế khiến đơn hàng giảm, kéo theo nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp sản xuất ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, từ cuối năm 2022 đến nay nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh buộc phải giảm giờ tăng ca, sắp xếp lại phương án sản xuất, có nơi đành sa thải người lao động.
“Gồng gánh” với khó khăn này, nhiều người lao động đã xoay xở để tồn tại bằng mọi cách như tìm việc làm mới phù hợp, làm thêm sau giờ tan ca, nhận giao hàng, làm nhân viên tiếp thị…
Kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ công nhân mất việc
Cắt giảm lao động là điều chẳng đặng đừng nhưng trong tình thế này doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để lựa chọn giải pháp tối ưu. Ông Hà Quang Tuyến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc cho biết đơn hàng sụt giảm, công ty phải chọn phương án không tăng ca, công nhân chỉ làm 5 ngày một tuần; không tuyển dụng mới nhân sự, dồn dây chuyền sản xuất để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kể cả tiết kiệm chi phí điện, nước.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh kết nối, giới thiệu việc làm cho công nhân mất việc. |
“Người lao động cùng nhau chia sẻ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp là điều cần nhất lúc này”, ông Tuyến bày tỏ.
Tuy nhiên, đã có khoảng 200 công nhân xin nghỉ việc, trong đó một số người về quê, một số chuyển qua các công ty khác để tìm công việc phù hợp hơn. Ban Giám đốc công ty kỳ vọng sản lượng đơn hàng sẽ tăng vào Quý 4 năm nay, từ đó việc làm cho người lao động có dấu hiệu tích cực và khả quan hơn.
Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 với mức hỗ trợ từ 700 nghìn đồng tới 3 triệu đồng/người.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt 3.222 hồ sơ với số tiền hỗ trợ là 4,7 tỷ đồng. Hiện nay Công đoàn cấp trên cơ sở đang gấp rút đối chiếu và hoàn tất hồ sơ để chuyển tiền vào tài khoản cho người lao động, kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định. Khoản hỗ trợ không chỉ giúp người lao động trang trải một phần khó khăn mà còn tạo động lực để họ quay lại thị trường lao động, tham gia sản xuất.
Do đó, các cấp, các ngành thành phố cần phối hợp một cách tích cực và trách nhiệm để giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động đúng đối tượng. Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian tới, sau khi đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nêu trên, Tổng Liên đoàn sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho phù hợp đối tượng mất việc nhưng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực cao nhất để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn lực của tổ chức Công đoàn.
Thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 12 năm 2022, thành phố có hơn 110.000 lao động trên địa bàn bị thiếu việc, mất việc, trong đó số lao động bị giảm khoảng 6.300 người.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã yêu cầu chính quyền chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc tình hình quan hệ lao động để phối hợp các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Ðặc biệt, kịp thời nắm bắt thông tin doanh nghiệp cho nhiều người lao động nghỉ việc do sắp xếp cơ cấu bộ máy hoặc không tiếp tục ký hợp đồng lao động để nhanh chóng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đến các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ngành nghề, hoặc theo nguyện vọng người lao động.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố và các cơ quan liên quan để nắm bắt diễn biến tình hình lao động tại các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh tần suất, nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, tổ chức phiên giao dịch, kết nối cung-cầu lao động, trong đó chú trọng kết nối lao động ở các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh để tư vấn, giới thiệu việc làm. Tín hiệu khả quan bước đầu là trong Quý I năm nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho 80.654 lượt người và tạo ra 35.575 chỗ việc làm mới.