Công nhân mỏi mòn chờ an cư

Nhiều năm qua, việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp nhiều bế tắc. Để người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu chỗ che nắng, che mưa, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển thị trường nhà ở xã hội là một trong những mục tiêu cần thực hiện từ nay đến năm 2030.
Phát triển thị trường nhà ở xã hội là một trong những mục tiêu cần thực hiện từ nay đến năm 2030.

1/ Anh Phạm Văn Hùng, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, nếu sống độc thân thì nhà ở không lo lắm, nhưng có gia đình rồi thì đây là vấn đề nan giải, nhất là khi có con nhỏ. Hiện tại, với thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng (tùy vào công việc có tăng ca hay không) cộng với thu nhập của vợ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, mỗi tháng, hai vợ chồng tiết kiệm lắm cũng chỉ để ra được 3-4 triệu đồng phòng khi ốm đau. Với thu nhập như vậy, nói chuyện mua nhà ở Hà Nội có vẻ xa vời.

Trong hai năm qua, những cơn “sốt ảo” quét qua nhiều địa phương trên cả nước khiến giá nhà, đất tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba chỉ trong một thời gian ngắn đã gây ra những hệ lụy không nhỏ. Giá bất động sản tăng cao bất thường không chỉ khiến thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn, mà còn làm cho giấc mơ an cư lạc nghiệp của nhiều người ngày càng xa tầm với. Anh Hùng tâm sự, với giá nhà ở như hiện nay, vợ chồng anh cũng như đa số công nhân đều không thể mua nổi, trong khi tiếp cận vốn để vay mua nhà ở xã hội cũng không dễ dàng vì nhiều thủ tục rắc rối. Do vậy, vợ chồng anh chỉ có ý định tích cóp và về quê mua đất xây nhà hơn là khắc khoải chờ cơ hội mua nhà ở đây.

Những trường hợp như vợ chồng anh Hùng chiếm phần lớn trong các khu công nghiệp. Sau mỗi buổi tan ca, hàng chục nghìn công nhân lại trở về những khu nhà trọ, trong đó, nhiều nơi có chất lượng sống không bảo đảm, vốn chỉ là chỗ nghỉ tạm sau một ngày lao động mệt nhọc. Sống trong điều kiện như vậy, nhưng phần lớn không có nhiều lựa chọn, bởi với mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ nơi đô thị mà không tằn tiện tiết kiệm, chẳng may xảy ra biến cố thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

2/Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, công ty đã quan tâm hơn đến đời sống công nhân, người lao động và đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với giá thành hợp lý như: Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân và dịch vụ khu công nghiệp Yên Phong do Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera là chủ đầu tư (diện tích 30-60m2; giá bình quân khoảng 9 triệu đồng/m2); dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, do Công ty IDICO-URBIZ làm chủ đầu tư (diện tích 30-65m2, giá bán bình quân khoảng 5-8 triệu đồng/m2, giá thuê khoảng 1-2 triệu đồng/căn); dự án khu nhà ở an sinh xã hội Becamex tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (diện tích 30-60m2, giá bán khoảng 150-300 triệu đồng/căn hộ)… Tuy nhiên, những dự án nhà ở này vẫn còn rất hạn chế trước nhu cầu rất lớn trong xã hội.

Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đầu tư, xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Dẫu vậy, để thực hiện được mục tiêu này trong thời gian tới, cần phải có những cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư tham gia. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức quy hoạch hợp lý, dành ra quỹ đất công sạch để bố trí xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, chợ, nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao… trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội.

Theo các chuyên gia bất động sản, để việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội được triển khai mạnh mẽ, những vướng mắc liên quan cũng cần sớm tháo gỡ như sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước; tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp; bố trí vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung tháo gỡ những thủ tục hành chính, cũng như thực hiện đấu thầu các khu đất công được quy hoạch làm nhà ở xã hội.

Trong giai đoạn 2021-2030, Hà Nội chủ trương đầu tư xây dựng một - hai khu nhà ở xã hội tập trung là Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương và Khu nhà ở xã hội thành phố kết nối xanh-Green Link City tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Trường hợp công tác chuẩn bị đầu tư ba khu còn lại là Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) và Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) thuận lợi, hoàn thành sớm, thành phố sẽ xem xét điều chỉnh mục tiêu triển khai từ hai lên năm khu nhà ở xã hội tập trung.