Phóng viên (PV): Bìa sách là “cái áo” của cuốn sách. Xấu hay đẹp phụ thuộc khá nhiều vào họa sĩ thiết kế. Anh nhận xét như thế nào về thế giới bìa sách hiện nay?
Họa sĩ Lê Tiến Vượng (LTV): Bìa sách là yếu tố không thể thiếu của bất cứ cuốn sách nào, ngoài chức năng là “chiếc áo” bền chắc bảo vệ cuốn sách, bìa sách ngày nay còn phải là “chiếc áo đẹp” mang tính thời trang, thời thượng, thể hiện “ngay và luôn” một cách mạnh mẽ, “hồn cốt” và thông điệp của cuốn sách. Thậm chí là làm sao cho cuốn sách với thiết kế bìa độc và lạ như một “tiếng sét ái tình” ngay từ cái nhìn đầu tiên, một hiệu quả cuốn hút đến không ngờ với độc giả
Bìa sách hiện nay đang thật sự “trăm hoa đua nở”. Công nghệ thiết kế và in ấn ngày càng hiện đại đã giúp ra đời nhiều bìa bắt mắt, rực rỡ, ấn tượng… Tuy nhiên, những bìa “độc, lạ, hút hồn” thì chưa có mấy.
PV: Có ý kiến cho rằng, bìa sách xưa được các họa sĩ thế hệ đi trước vẽ thủ công nên “tình” hơn, còn hiện nay thì bìa sách quá “rộng rãi” về mầu sắc, tranh ảnh. Theo anh, đâu là điều mà thế hệ họa sĩ đương đại có thể học hỏi kinh nghiệm từ bìa sách do các bậc họa sĩ tiền bối đã thực hiện?
LTV: Khi xưa bìa sách còn đơn sơ do công nghệ in ấn còn sơ sài, buộc người họa sĩ phải “toan tính” sao cho “tối giản nhất” mà thể hiện được “tâm hồn” của cuốn sách nhanh nhất tới độc giả. Do vậy, việc sáng tạo phải “nghĩ nhiều” mà vẽ ít nó cũng giống như các kiếm sĩ samurai không được múa may quay cuồng nhiều mà phải nhanh nhất “hạ gục” đối thủ chỉ một lần vung kiếm vậy, vì điều đó mà người đọc cảm thấy nó “duyên hay tình” ở sự khúc triết, giản đơn và giản dị làm vậy. Đó cũng là điều đáng suy ngẫm cho họa sĩ làm bìa sách hiện nay.
PV: Vậy với công nghệ ngày nay, theo anh, có ưu - nhược gì trong việc thiết kế bìa sách?
LTV: Công nghệ ngày nay phải nói là ưu nhiều hơn nhược, vì nó giúp cho họa sĩ thiết kế thoải mái sáng tạo, bay bổng tối đa cái mình muốn, khác hẳn các họa sĩ khi xưa là tối giản cái mình cần. Công nghệ hiện nay có đủ các phần mềm, máy tính ngày càng tiên tiến, có thể làm nhanh, làm nhiều. Đặc biệt là thay đổi, sửa chữa, nhân bản, gửi file in toàn cầu chỉ trong “một nốt nhạc”.
Nhưng nhược điểm cũng từ chính những cái ưu kia mà ra, vì cùng khai thác tài nguyên “có sẵn” trong máy hay các thư viện cho không, nên việc sử dụng rất dễ bị trùng lặp, việc “đạo” ý tưởng hay sao chép lại quá dễ dàng nên việc quá nhiều bìa sách dùng hình, dùng chữ, dùng mầu và bố cục giống nhau. Việc ỷ vào kỹ thuật và tài nguyên máy tính đã khiến nhiều họa sĩ thiết kế “lười” tìm tòi để tạo nên những bìa sách “hút hồn” độc giả.
PV: Anh có thể chia sẻ ý tưởng cho cuộc triển lãm đầu tiên về nghệ thuật bìa sách Việt Nam lần này?
LTV: Theo một số liệu đã công bố thì năm 2020, Việt Nam có 410 triệu bản sách được phát hành với 33 nghìn đầu sách. Nếu tính nhiều năm qua cộng lại, thì số lượng các bản sách đến tay độc giả là quá khổng lồ. Với sự cộng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa, các nhà giáo dục tham gia biên soạn và thực hiện, hàng năm Hội Xuất bản Việt Nam đều có tổ chức bình chọn giải thưởng quốc gia dành cho các tác giả viết, biên tập cho các cuốn sách hay, sách đẹp... nhưng chưa có một triển lãm nào được tổ chức để ghi nhận và tôn vinh các họa sĩ thiết kế sách, bìa sách - những người đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của các cuốn sách ở hầu hết các thể loại, các nhà xuất bản cũng như các nhà sách trên cả nước...
Khi hiểu được nhiều tâm tư của rất nhiều họa sĩ thiết kế, các designer, Chi hội Đồ họa 2 đã quyết định tổ chức triển lãm đầu tiên trên quy mô toàn quốc, nhằm thu hút, mời gọi sự tham gia của các họa sĩ chuyên nghiệp đã, đang làm các công việc thiết kế sách và bìa sách cùng hội tụ và sẻ chia, cùng nhau giới thiệu nghệ thuật thiết kế bìa sách từ thô sơ đến hiện đại, từ tối giản đến tối đa kỹ thuật, với rất nhiều phong cách và kỹ thuật thể hiện được phô diễn trên các trang bìa sách các thể loại. Có thể nói triển lãm này là một cuộc trình diễn, cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của các họa sĩ đồ họa, các designer.
PV: Bên cạnh những bìa sách có sự sáng tạo riêng, độc đáo thì trên thị trường và ngay trong triển lãm bìa sách lần đầu tiên này, cũng thấy những bìa sách chất lượng thẩm mỹ chưa cao, thậm chí ngôn ngữ đồ họa trùng lặp và quan trọng là không đúng, không trúng nội dung tác phẩm. Theo anh, nguyên nhân chính nằm ở đâu?
LTV: Hiện nay, việc thiết kế và sáng tạo bìa sách vẫn đang chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa, nhiều nhà xuất bản có rất ít họa sĩ chuyên làm bìa mà phải trông chờ vào đội ngũ các họa sĩ là cộng tác viên của mình, nhiều biên tập viên tự đặt họa sĩ, người quen để làm bìa mà không rõ sở trường, đặc tính sáng tạo của người họa sĩ ấy có phù hợp với việc thiết kế bìa sách của mình hay không… Nhiều người có trách nhiệm duyệt bìa sách cũng chưa hiểu sâu sắc giá trị của một bìa sách vừa vặn với nội dung quan trọng nhường nào, một số người còn coi bìa sách “đơn giản chỉ là một cái bìa” để mà dễ dãi chấp nhận cả những bìa sách do những họa sĩ không chuyên và còn non kém về sáng tạo bìa sách. Tôi đã từng nhiều năm thiết kế sách, báo và đã làm không biết bao nhiêu cái bìa sách, nhưng cũng phải từ chối rất nhiều bìa sách khi được đặt hàng vì tự thấy không hứng thú, hoặc không hợp sở trường, phong cách sáng tạo của mình. Từ các nguyên nhân cơ bản trên đã dẫn đến có rất nhiều bìa dưới mức yêu cầu là vậy.
PV: Anh đánh giá như thế nào về đội ngũ thiết kế bìa sách hiện nay? Đâu là những cái tên để lại dấu ấn sáng tạo ở địa hạt bìa sách, trong góc nhìn của các chuyên gia mỹ thuật?
LTV: Chúng ta chưa có “đội ngũ sáng tạo bìa sách” mà chỉ có một số họa sĩ thành công trong sáng tạo bìa sách ở một số nhà xuất bản, trong đó không ít các họa sĩ “làm thêm” thiết kế bìa sách khi được đặt hàng… Nhưng rất may là vẫn có nhiều cái tên họa sĩ sáng tạo bìa sách được khắc ghi trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ mà tôi biết như: Họa sĩ Lê Huy Văn, Nguyễn Đăng Phú, Thành Chương, Lê Trí Dũng, Lê Minh Hải… Trẻ hơn có họa sĩ Ngô Xuân Khôi, Tiến Vượng, Lê Tâm… Trẻ hơn nữa có Hữu Khoa, Tạ Huy Long, Trương Văn Ngọc, Kim Duẩn, Kỳ Nam… cùng khá nhiều cái tên ở miền nam, miền trung khó lòng nhớ hết.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!