GÓP Ý KIẾN VÀO CÁC DỰ THẢO VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Chú trọng “đường băng” cho văn học nghệ thuật

Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Về các nội dung liên quan đến phương hướng phát triển văn hóa, văn nghệ đất nước trong dự thảo, Thời Nay đã nhận được sự chia sẻ và gợi mở, đề xuất của một số nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Gắn kinh tế với văn hóa; đề cao các giá trị tinh thần lớn lao của dân tộc; trân trọng di sản, di tích; giữ tiếng Việt trong sáng; trân trọng văn hóa các dân tộc…, đó là những định hướng quan trọng trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ở phần “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”. Đặc biệt, phần này có sự nhấn mạnh về “tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của lãnh đạo, cán bộ, công chức và đảng viên”. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cao vai trò gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa và đưa ra định hướng thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị - nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội... 

Từ ý thức đề cao và định hướng này, nên chăng cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò của cộng đồng, xã hội với việc bổ sung nội dung về việc không chỉ xây dựng, mà còn: giám sát, phản biện cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai các chính sách văn hóa và quản lý, duy trì, phát triển đời sống văn hóa. 

Rộng hơn, cần thúc đẩy vai trò giám sát và phản biện của cộng đồng đối với xã hội chung khi trong đời sống xuất hiện những hành vi, hiện tượng phản văn hóa, những trường hợp lợi dụng văn hóa thực hiện mục đích vi phạm pháp luật, trái với truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Điều này, chính là để nhằm thể hiện quan điểm, thái độ, khơi gợi sáng kiến cải tiến của nhân dân trước những chính sách văn hóa bộc lộ điểm bất cập, không phù hợp thực tế. Qua đó cũng khẳng định: xây dựng các chính sách văn hóa là trách nhiệm của cả cộng đồng chứ không chỉ ngành văn hóa. 

Ngoài ra, ở phần nội dung này, dự thảo nêu chú trọng phát triển chính sách cho công nghiệp văn hóa cùng hệ thống báo chí, xuất bản nhưng dường như còn “quên” nhắc đến lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT). Trong khi đó chính là một nguồn lực quan trọng, nòng cốt để tôn vinh, bảo vệ, phát triển nền văn hóa của đất nước. Rất cần bổ sung nội dung: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách, thúc đẩy cơ chế thuận lợi cho VHNT phát triển. Cũng như các cơ chế thuận lợi cho quần chúng nhân dân trong việc hưởng thụ VHNT, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ trong xã hội, qua đó xúc tác tốt vào việc xây dựng đời sống văn hóa xã hội giàu tính thẩm mỹ, nhân văn, văn minh và tích cực hội nhập có chọn lọc với văn hóa khu vực, thế giới. 

Phần này cũng rất nên nhấn mạnh vấn đề: tăng cường quan tâm đầu tư, hỗ trợ sáng tác cho văn nghệ sĩ; cổ vũ văn nghệ sĩ sáng tạo phát triển xã hội, bảo vệ Tổ quốc; cùng với đó, nêu cao vai trò của cơ quan chức năng và hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi văn nghệ sĩ; tích cực chăm lo, thúc đẩy tài năng, bồi đắp hiệu quả cho các tài năng trẻ.

Điều này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền tảng chính sách, cơ chế liên quan đến lĩnh vực VHNT được đặt ra nhiều mục tiêu hoàn thiện, bổ sung, nhưng công việc này còn chậm và vẫn còn những bất cập, ảnh hưởng đến thực tế sáng tác, công bố, quảng bá tác phẩm của văn nghệ sĩ nói chung.