Chọn cho mình trải nghiệm tử tế

Dù chưa một lần đến trường, nhưng tác giả Trần Trà My, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh đã tự học, trở thành người viết sách, đi khắp nơi truyền cảm hứng. Mới đây, cô đã xuất bản cuốn "Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế", tập hợp gần 40 bài viết, 10 bài thơ ra đời trên hành trình trải nghiệm và chia sẻ với nhiều cuộc đời khác.
0:00 / 0:00
0:00
Trà My trong một chuyến tặng quà cho trẻ em nghèo.
Trà My trong một chuyến tặng quà cho trẻ em nghèo.

Trà My quê ở TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), vốn sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác. Khi lên ba tháng tuổi, cô bị sốt, các bác sĩ kết luận bị u máu ở chân, phải điều trị lâu dài. Sau trận ốm đó, tay chân My bị co rút. Lớn lên, vì đi lại khó khăn, việc giao tiếp cũng là một trở ngại lớn. Điều đó đồng nghĩa cô không thể đến trường học.

Nhưng My đã chọn cách không đầu hàng số phận, vẫn tự học rồi trở thành một tác giả sáng tác thơ văn. Năm 2007, Trà My rời xa gia đình vào TP Hồ Chí Minh tìm cách rèn luyện để nói được và mưu sinh bằng nghề viết. Năm 2008, tác phẩm đầu tay của Trà My được xuất bản mang tên "Giấc mơ đôi chân thiên thần" và liên tiếp xuất bản ba cuốn sách khác.

Điều đáng nói, Trà My không chỉ nghĩ cho riêng mình, mà còn nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn hơn. Để giúp người khác, My sáng lập dự án "Lan tỏa điều tử tế"; nhờ cuốn sách "Tin vào điều tử tế" được phát hành số lượng lớn, My có kinh phí để thực hiện dự án. Tiếp đó, cô đã đem sách đến các trại giam với mong muốn gieo mầm hy vọng và đánh thức mầm thiện cho những người từng lầm lỡ. Ý định đó lúc đầu bị một số bạn bè phản đối bởi việc đưa sách vào trại giam là điều vô cùng khó khăn. Nhưng My vẫn quyết tâm thực hiện. Trong quá trình gặp gỡ, chia sẻ, các giám thị trại giam trên cả nước đều rất hoan nghênh đón nhận việc làm tử tế này. Thế rồi những món quà sách đã được gửi đến nhiều trại giam.

Suốt nhiều năm qua, Trà My đã đi đến hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, gặp những hoàn cảnh khó khăn hơn để giúp đỡ, kể về lối ứng xử đẹp, các câu chuyện tử tế có thật ngoài cuộc sống để truyền cảm hứng tới người nghe. Trong một chuyến đi trao bàn ghế để làm góc học tập cho học sinh nghèo ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), My gặp một học sinh và câu chuyện về em đã khiến cô ứa nước mắt khi kể lại: "Huyện đoàn Tây Ninh đã lựa chọn những hoàn cảnh học sinh khó khăn nhất. Em đến thăm gia đình bạn Tiến, nhà bạn ấy nghèo và khổ hơn em gấp nhiều lần. Cả gia đình sống trong căn chòi cũ nát, dựng trên một cái thuyền luôn lênh đênh trên mặt hồ. Họ sống bằng nghề chài lưới từ hàng chục năm qua. Mọi người hôm đó rất xúc động khi em Tiến vui vẻ nhận món quà, và hứa sẽ học tập thật tốt".

Trà My cũng đi giao lưu, sinh hoạt cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng, ăn ngủ với các bạn trẻ trong trại cai nghiện để kể chuyện người tốt, giả làm người vô gia cư để lắng nghe và tìm hiểu cuộc sống của những người vô gia cư, giao lưu trò chuyện với các sinh viên, tặng quà cho bà con gặp bão lũ ở miền trung… Thậm chí cô dũng cảm một mình ra Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), đảo Nam Du (Kiên Giang) để trải nghiệm mà không nhờ người đi cùng. Trần Trà My tâm sự: "Khuyết điểm lớn nhất của em là không có được một giọng nói tròn vành rõ tiếng. Nhưng em vẫn chọn con đường đi chia sẻ, truyền lửa trên khắp mọi miền. Nhiều năm đọc sách và nghe những bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khiến em nhận ra rằng, ngồi lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau của một ai đó bằng thái độ không phán xét, không đổ lỗi hay so sánh cũng là một món quà vô giá mà mình có thể dành tặng cho người đối diện".

My luôn ấp ủ cơ hội được làm người mẫu ảnh, chụp những bức ảnh thần thái tự tin, truyền cảm hứng cho người khác. Mỗi ngày, My đều dành thời gian đọc sách để bổ sung kiến thức bởi theo cô, muốn nói chuyện được tốt thì kiến thức xã hội ngày càng phải cao lên. Và như thế thông điệp ấm áp: "Nếu cuộc đời là một chuyến phiêu lưu thì hãy chọn cho mình những trải nghiệm tử tế" của Trần Trà My sẽ tiếp tục có thêm nhiều người thấu cảm.