Trước hết, đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Theo kết quả Tổng điều tra, trong 10 năm 2009-2019, yếu tố di cư góp phần làm tăng dân số thành thị lên 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị. Ngoài ra, số người di cư ra thành thị để làm việc theo mùa hoặc để làm công nhân tại các khu công nghiệp là rất lớn, minh chứng rõ nét là hàng triệu người "di cư ngược" về quê do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Đất ruộng thừa ra cũng là dễ hiểu.
Thứ hai, do đất đai bị manh mún, khó áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nên năng suất lao động của nông dân nhìn chung thấp. Thu nhập bình quân của lao động nông nghiệp hiện nay là 3,4 triệu đồng/tháng, trong khi đó của lao động công nghiệp và dịch vụ gần gấp đôi. Ai sẽ mặn mà với ruộng đất, nếu thu nhập thấp như vậy?!
Thứ ba, phần lớn ruộng đất của những người nông dân hiện nay khá nhỏ bé và manh mún. Sự manh mún là hệ quả của một loạt chính sách đã từng rất đúng đắn trong quá khứ như khoán hộ, giao đất cho hộ gia đình, giao rừng… Vấn đề chỉ là chúng đã đúng quá lâu. Muốn đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, thì phải tích tụ được ruộng đất, tuy nhiên lại rất khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến năng lực tài chính của nông dân, vướng mắc về các thủ tục pháp lý và có cả những nguyên nhân về tâm lý. Tiếp tục canh tác trên mảnh ruộng nhỏ bé không đủ sống, tích tụ ruộng đất thì không có khả năng, lựa chọn còn lại của rất nhiều nông dân là bỏ ruộng để tìm việc làm ở các đô thị và các khu công nghiệp. Quả thực, đối với các nhà hoạch định chính sách đây là một sự lãng phí. Tuy nhiên, đối với nhiều người nông dân, đây lại là cách hành xử hợp lý và tiết kiệm hơn.
Để đất ruộng không bị lãng phí, phải đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất. Đã theo cơ chế thị trường, thì tiền phải được tập trung cho những người kiếm ra nhiều lợi nhuận từ tiền; đất phải được tập trung cho người làm ra nhiều của cải vật chất từ đất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với nước ta là cần phải cân đối giữa đòi hỏi của cơ chế thị trường với bảo đảm công bằng xã hội. Rõ ràng, chúng ta không thể tích tụ ruộng đất bằng cách thu hồi đất của nông dân để giao lại cho các doanh nghiệp hoặc cho các chủ trang trại. Làm như vậy có thể phù hợp đòi hỏi của thị trường, nhưng lại không bảo đảm được công bằng xã hội. Phản ứng chính sách phù hợp nhất ở đây là bảo đảm quyền tự do tài sản của nông dân đối với ruộng đất và tạo mọi điều kiện để việc thực thi quyền tự do tài sản đối với ruộng đất nhanh chóng và dễ dàng nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để việc tích tụ ruộng đất có thể diễn ra một cách tự nhiên phù hợp với tiến độ của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Nghĩa là, những người nông dân có quyền giữ lại ruộng đất cho mình nếu họ còn có thể mưu cầu hạnh phúc trên những miếng đất đó. Thế nhưng, họ có quyền chuyển nhượng chúng, khi di cư ra đô thị, tới các khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm là cách thức mưu cầu hạnh phúc tốt hơn. Có hai nút thắt về thể chế cần được xử lý là chính sách hạn điền và chính sách miễn thuế đất nông nghiệp.
Việc tích tụ ruộng đất quả thực là bất khả thi nếu chính sách hạn điền không được hủy bỏ hoặc được nới rộng.
Những người nông dân bỏ ruộng hoang sẽ không có khuyến khích chuyển nhượng ruộng đất, nếu họ không phải chịu thiệt hại gì cho hành vi gây lãng phí của mình. Tất nhiên, việc đánh thuế phải ở mức rất vừa phải để không tạo ra gánh nặng cho những người nông dân, nhưng vẫn tạo được khuyến khích cho việc chuyển nhượng đất đai.
Cuối cùng, thuế nói chung và thuế đất nông nghiệp nói riêng không chỉ là công cụ để thu ngân sách, mà còn là công cụ để điều chỉnh hành vi nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược của nền quản trị quốc gia, trong đó có mục tiêu tích tụ ruộng đất.