Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023)

Chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa

Trong lịch sử hình thành và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta trân trọng ghi nhớ công ơn lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người không chỉ sáng lập Đảng, Nhà nước ta, mà còn là người đặt nền móng xây "ngôi nhà" báo chí cách mạng trụ vững và phát triển mạnh mẽ đến hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Báo chí tác nghiệp, phản ánh hoạt động tại các sự kiện quan trọng của đất nước.
Báo chí tác nghiệp, phản ánh hoạt động tại các sự kiện quan trọng của đất nước.

Đội ngũ báo chí cả nước đã và đang đồng hành và có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tự hào nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta, trước khi là nhà lãnh đạo cách mạng đều là những người viết báo nổi tiếng, như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh, v.v. Đặc biệt, khi đã giữ những trọng trách lớn lao, vẫn tiếp tục viết báo, trong đó Bác Hồ là chiến sĩ tiên phong. Trong cả cuộc đời cách mạng, Bác Hồ đã viết hàng nghìn bài báo với hàng chục bút danh khác nhau, mà theo lời Bác, "đề tài xuyên suốt" trong tất cả các bài viết của mình là "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần một thế kỷ qua, đội ngũ báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, phấn đấu vượt qua mọi thách thức, khó khăn, làm tròn sứ mệnh tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đã có hàng nghìn nhà báo có mặt ở các chiến trường, phản ánh kịp thời khí thế của quân và dân ta trong chiến đấu với tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt lên bom đạn để giành và giữ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong tư thế vừa cầm bút, cầm máy, vừa cầm súng. Đất nước hòa bình, các nhà báo lại đi tiên phong tới các nhà máy, công trường, nông trường, đồng ruộng..., phát hiện, cổ vũ khí thế mang chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu vào công cuộc xây dựng nền kinh tế mới, nền văn hóa mới. Từ thực tiễn sinh động do báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng đã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khai thác tối đa nội lực, tranh thủ tốt ngoại lực nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy sự phát triển trong tất cả các mặt trận kinh tế, văn hóa, giáo dục, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, v.v. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao đội ngũ báo chí trong việc phát hiện, cổ vũ phong trào "khoán sản phẩm đến người lao động" trong thời bao cấp; đặc biệt trong công cuộc ngăn chặn và đẩy lui đại dịch Covid-19 trong những năm 2020-2021 vừa qua; trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Tất cả các hoạt động của báo chí đều hướng vào việc cổ vũ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tinh thần sáng tạo, dũng cảm trong phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Phát huy truyền thống vẻ vang trong 98 năm qua, giới báo chí cả nước đã và đang đoàn kết, thúc đẩy phong trào thi đua thực hiện tốt 12 điểm trong Tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam phát động. Mỗi nhà báo tự nhắc mình, để báo chí đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa vào công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới, mỗi nhà báo hãy luôn tâm niệm tu dưỡng theo phương châm "mắt sáng, lòng trong, bút sắc", xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân là "người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa!".