Chiếc “máy ôm” không cần sửa nữa

Tem-pơ Gran-đin (Temple Grandin) không phải là một thiên tài. Bà trở thành một tên tuổi phi thường như hiện tại, đầu tiên là bởi sự kiên trì chiêm nghiệm những nỗi đau.

Chiếc “máy ôm” không cần sửa nữa

Người thầy định mệnh

Nhà Grandin là một gia đình giàu có ở bang Ma-xa-chu-xét (Massachusetts), Mỹ. Nhưng, tiền bạc cũng vô nghĩa khi cô con gái đầu của họ, Temple, đã hai tuổi mà vẫn chưa biết nói. Các bác sĩ chẩn đoán Temple bị “chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não”.

Trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, ông bố Ri-chác (Richard) khẳng định: phải đưa Temple vào nhà tình thương, nơi chuyên chăm sóc trẻ bị khuyết tật bẩm sinh. Song, bà mẹ An-na (Anna) kịch liệt phản đối. Mâu thuẫn chung quanh Temple là một phần nguyên nhân khiến họ ly hôn năm cô bé 15 tuổi, dù khi đó đã có với nhau bốn mặt con.

Gần bốn tuổi, Temple mới bắt đầu biết nói. Tuy nhiên, khi vào trung học, các bác sĩ lại kết luận: Temple mắc bệnh tự kỷ. Hồi tưởng về những năm tháng ấy, bà kể mình thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, chế giễu. Bọn trẻ đồng trang lứa gọi bà là “máy ghi âm”, chỉ vì Temple mắc chứng nói lắp, thường nói đi nói lại một câu nhiều lần.

Trong một lần như vậy, không chịu đựng nổi, Temple ném quyển sách vào mặt bạn. Vì tội này, bà bị đuổi học. Một năm sau, bố mẹ Temple ly hôn. Bị đuổi học kèm một lý lịch xấu, Temple không được đến trường cùng những đứa trẻ bình thường khác. Bà phải chuyển tới một ngôi trường chỉ dành cho những học sinh có khiếm khuyết về hành vi. Nhưng, đây lại là thời điểm bước ngoặt giúp bà thay đổi cuộc đời.

Tại ngôi trường ấy, Temple may mắn được gặp Uy-li-am Ca-loóc (William Carlock), giáo viên dạy môn khoa học. Bỏ qua định kiến về những học sinh “không bình thường”, ông Carlock đã nhận thấy khả năng học tập và nghiên cứu đầy đam mê của Temple. Nhờ đó, ông không chỉ dốc sức truyền đạt kiến thức, mà còn không ngừng động viên cô học trò nhỏ.

“Temple, em có trí óc rất đặc biệt! Em biết không, em nhìn thế giới theo nhiều cách mà người khác không thể nào làm được. Đấy là lợi thế. Nếu em không phải một kẻ ngốc, hãy cứ tích cực phát huy năng khiếu ấy nhé!”, ông nói. Ngay cả khi Temple tỏ ra nghi ngờ về khả năng tiếp tục học ở bậc đại học, ông vẫn khẳng định: “Với trí tuệ em có, em có thể học bất kỳ ngành nào em muốn”.

Nghe theo lời khuyên đó, Temple quyết định sẽ tiếp tục học lên đại học. Thời gian đó, bà bắt tay vào chế tạo chiếc “hộp ôm”, tiền thân của “máy ôm”, một vật dụng giúp con người thư giãn. Ý tưởng của chiếc máy này có từ những ngày học tập cùng thầy Carlock. Chính tiến sĩ Carlock là người giúp bà khắc phục những khiếm khuyết và thử nghiệm trong thực tiễn. Kết quả thật bất ngờ: Gần 2/3 số người được sử dụng đều cảm thấy “máy ôm” thật sự có hiệu quả thư giãn. Nhờ đó, Temple giành được điểm tốt, tạo tiền đề tốt nghiệp đại học xuất sắc.

“Chúng ta nợ động vật sự tôn trọng”

Học chuyên ngành tâm lý ở bậc đại học, nhưng Temple lại theo đuổi lĩnh vực chăn nuôi khi học thạc sĩ và tiến sĩ. Trong thời gian nghiên cứu, để cảm nhận trạng thái của những con vật khi bị nhốt trong chuồng, Temple cũng chui vào chuồng nằm như chúng. Bà thậm chí còn bò qua con đường hẹp giữa hai bên hàng rào gỗ, như chúng. Bà cảm nhận được nỗi đau của từng con vật, chứng kiến ánh mắt chúng sợ hãi khi bước vào lò mổ.

Đó là lý do thúc đẩy Temple sáng tạo ra mô hình chăn nuôi đối xử nhân đạo với động vật, từ lúc chúng được sinh ra cho đến khi chết đi. Bà không muốn con vật nào phải chết oan uổng vì điều kiện nuôi nhốt khắc nghiệt, không muốn nghe thấy tiếng kêu thảm thiết cuối đời nào trong lò mổ.

“Con người phải biết mang lại cho động vật một cuộc sống tử tế, dù đưa chúng đến cái chết cũng đừng để chúng cảm nhận đau đớn. Chúng ta nợ động vật sự tôn trọng” - đó là tôn chỉ của Temple khi nghiên cứu về ngành chăn nuôi.

Giới chủ trang trại ban đầu không đồng tình với mô hình chăn nuôi nhân đạo này. Họ cho rằng nó quá phức tạp, khó làm theo và tốn kém. Một số kẻ thậm chí còn chế giễu, dè bỉu và thậm chí ném đầy đồ bẩn lên xe bà.

Nhưng, Temple không dừng lại. Bà vẫn tiếp tục cải tiến mô hình chăn nuôi của mình. Cuối cùng, mô hình ấy chứng minh hiệu quả tuyệt vời trong thực tiễn. Không có gia súc nào chết hay bị thương, thay vì hàng chục con mỗi tuần theo mô hình cũ. Điều đó đồng nghĩa với việc một khoản tiền lớn được tiết kiệm, và các chủ trang trại nhanh chóng thay đổi thái độ. Phần lớn các trang trại tại Mỹ ngày nay sử dụng mô hình và quy trình đối xử nhân đạo do Temple Grandin thiết kế. Ngành chăn nuôi Mỹ, vì vậy, cũng thay đổi hoàn toàn.

Niềm hy vọng cho những người vô vọng

Sau khi đạt được những thành công vang dội trong lĩnh vực chăn nuôi, Temple Grandin tiếp tục nghiên cứu về tâm lý học, cụ thể là chứng bệnh tự kỷ. Đến tận thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, khi một đứa trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, những ông bố bà mẹ hay chuyên gia vẫn coi đây là “án tử” cho khả năng hòa nhập xã hội.

Chiếc “máy ôm” không cần sửa nữa ảnh 1

Nhưng Temple, với cuốn sách về cuộc đời mình mang tên “Khẩn cấp: Người tự kỷ” đã khiến cả thế giới phải thay đổi quan niệm. Không ai hình dung được một đứa trẻ tự kỷ, đến năm bốn tuổi mới biết nói, lại có thể học đến tiến sĩ và nói chuyện trước hội trường hàng trăm người.

Ông Rút Su-li-vân (Ruth Sullivan), một trong những người sáng lập Hiệp hội Người tự kỷ Mỹ hồi tưởng: “Tôi gặp cô ấy từ thập niên 80 trong một hội thảo. Cô ấy kể về trải nghiệm bản thân, và đó là lần đầu tiên chúng tôi biết được một người tự kỷ nghĩ gì. Hàng chục, hàng trăm ông bố bà mẹ hỏi về triệu chứng của con cái họ, và Temple giải thích hết bằng trải nghiệm của cô ấy. Hôm đó, không ít người đã khóc”.

Những cống hiến không biết mệt mỏi của Temple Grandin suốt hàng thập kỷ cuối cùng cũng được ghi nhận. Năm 2010, tờ Thời báo (Time) của Mỹ vinh danh bà trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất hành tinh.

Thành công như vậy, nhưng Tem-pơ “vẫn là một người tự kỷ”, như lời bà thừa nhận. Căn bệnh đó vẫn ảnh hưởng tới mọi góc cạnh cuộc sống. Bà phải mặc những loại quần áo khiến bà thấy thoải mái, nếu không sẽ sinh hội chứng rối loạn cảm giác. Bà cũng thường xuyên dùng thuốc chống trầm cảm. Và người phụ nữ gần 70 tuổi này cũng chưa từng lập gia đình hay có con.

Dù vậy, một cánh cửa đầy ánh sáng đã được mở ra cho căn hầm tăm tối. Chiếc “máy ôm” bà tự chế tạo để giúp bản thân dịu đi mỗi lúc căng thẳng giờ đã hỏng, nhưng bà cũng không cần sửa nữa.

Bởi, “Giờ đây, tôi đã có thể ôm mọi người”...