Chìa khóa giảm lãi suất

Việc hai công ty tài chính (CTTC) có thị phần hàng đầu là FE Credit và dẫn đầu lợi nhuận năm 2021 là HD SAISON cùng triển khai gói cho vay 20.000 tỷ đồng cho công nhân với lãi suất bằng 50% lãi suất trên thị trường có thể xem là một sự kiện đặc biệt trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng (TCTD).
0:00 / 0:00
0:00

Lãi suất của TCTD có phổ khá rộng, nhưng có thể lấy mức trung bình khoảng 30%/năm thì lãi suất của gói 20.000 tỷ đồng này ước tính vào khoảng 15%/năm và con số này có thể nói là chưa có tiền lệ. Bởi lẽ, hiện nay lãi suất “đầu vào” của CTTC cũng đã vào tầm 9-10%/năm, cộng với chi phí vận hành khoảng 2%, chi phí rủi ro khoảng 5-7%, như vậy một gói vay sẽ gánh chi phí dự kiến 16-18%.

Đầu vào 16-18% trong khi đầu ra khoảng 15% cho thấy mục tiêu kinh doanh hay hiệu quả kinh doanh không phải là ưu tiên hàng đầu của CTTC khi tham gia gói này. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý khi các CTTC có vị thế lớn thì cũng phải có những giai đoạn chia sẻ với xã hội, mà ở đây là giúp công nhân có thêm những khoản vay để trang trải cuộc sống với lãi suất phù hợp, hạn chế mắc vào bẫy “tín dụng đen”. Cũng phải nói thêm, CTTC có triển khai chương trình lãi suất 0% nhưng vẫn có lãi, nhưng lãi nằm ở việc ăn chia doanh số với các đối tác như nhà sản xuất, nhà phân phối; còn với gói 20.000 tỷ đồng này thì sẽ không vận hành như vậy nên bài toán chi phí, lãi suất tất nhiên sẽ phải được tính toán ở mức tối ưu, mà tối ưu ở đây là làm sao cân đối được giữa đầu vào và đầu ra.

Nhìn lại ba loại chi phí, bao gồm huy động vốn đầu vào, chi phí vận hành và chi phí rủi ro thì hai loại chi phí đầu tiên sẽ rất khó kéo giảm thêm nữa vì huy động thì theo thị trường, còn chi phí vận hành cũng được tối ưu và cố định trong thời gian dài. Như vậy, mấu chốt sẽ nằm ở việc kéo giảm chi phí rủi ro. Có nhiều cách thức để giảm rủi ro trong ngành TCTD nhưng tiêu biểu có thể kể đến là có cơ sở dữ liệu đủ lớn để tính toán rủi ro và hiểu được tệp khách hàng của mình có mức độ khả tín tới đâu.

Như vậy, với gói 20.000 tỷ đồng này, nếu các CTTC tự thân triển khai và áp dụng các quy trình như đã làm, tất nhiên áp cả các loại chi phí rủi ro giống vậy thì không đơn giản cho cả bên cho vay và bên đi vay. Bởi lẽ, nếu cho vay lãi suất thấp, tiêu chí xét duyệt tín dụng có thể phải “gắt” để bảo đảm hạn chế rủi ro, nhưng các tiêu chí này cũng có thể hạn chế luôn cơ hội tiếp cận của một số nhóm người có nhu cầu. Như vậy, bên cho vay có thể bị ảnh hưởng bởi tốc độ giải ngân, còn người có nhu cầu khi chưa vay được thì lại nguy cơ phải tìm đến “tín dụng đen”.

Điều rõ ràng là cần có thêm những cầu nối trung gian, bảo đảm từ nhiều phía, chẳng hạn như doanh nghiệp, công đoàn, đoàn thể… để chi tiết hóa cơ sở dữ liệu khách hàng cho các CTTC có thể mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận. Điều này thậm chí còn giúp các đoàn thể, doanh nghiệp gián tiếp đem lại điều tích cực cho người lao động. Chắc chắn sẽ có những thách thức, nhưng nếu có thể phối hợp giữa các bên chặt chẽ, gắn kết thì việc giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở 20.000 tỷ đồng hay hai đơn vị, mà có thể kỳ vọng nhiều đơn vị khác tham gia.