Cây cầu vượt “khốn khổ”

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Trần Kim Anh (Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

Khởi công vào giữa năm 2023, cầu vượt đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên (đường Quang Trung - Việt Bắc, thành phố Thái Nguyên) đã hoàn thành tiến độ sau bảy tháng thi công. Sau khi cầu vượt đi vào hoạt động, tình trạng ùn tắc tại một trong những nút giao thông “nóng” nhất nhì thành phố gang thép đã có dấu hiệu giảm rõ rệt. Thế nhưng, ở một góc độ khác, đây cũng lại trở thành nơi xảy ra những vụ tai nạn “khó hiểu”.

Khó hiểu ở chỗ, hai đầu cầu đều đã được lắp đặt các loại biển báo, biển cấm cụ thể, trong đó có biển cấm xe đạp, xe gắn máy và đặc biệt là xe tải trên ba tấn…, nhưng các phương tiện này vẫn thường xuyên sử dụng cầu vượt một cách bình thường. Sau thời gian đầu nhận thấy hiện tượng trên, các lực lượng chức năng đã tổ chức một số biện pháp nhắc nhở thêm, nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan. Thời điểm trước thềm Tết Nguyên đán vừa qua, khi lưu lượng xe tăng cao cũng là lúc các phương tiện bị cấm di chuyển lên cầu nhiều hơn hẳn. Tình trạng này khiến cây cầu vượt vốn được xây để giảm ùn tắc cũng lại trở thành “điểm đen” giao thông. Đã có một số vụ va chạm nhẹ kèm theo cự cãi xảy ra giữa các phương tiện đi lại bát nháo trên cầu.

Chắc hẳn, nhiều người vẫn còn nhớ cây cầu vượt được mệnh danh là “bất ổn” ở nút giao Thái Hà - Chùa Bộc của Thủ đô Hà Nội. Thông xe từ cuối tháng 4/2012, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, cây cầu đã phải gánh chịu hàng loạt sự cố do các loại xe tải, xe khách vượt quá tải trọng cho phép lưu thông bất chấp biển cấm. Không ít vụ việc trong số này đã gây sập khung hạn chế, làm ùn tắc cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông công cộng, khiến người dân hoang mang. Để góp phần giải quyết việc này, các đơn vị chức năng đã lắp đặt hệ thống cảnh báo các phương tiện quá khổ. Nếu biện pháp này được áp dụng vào cầu vượt đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên nói riêng và những cây cầu tương tự trên cả nước nói chung, hy vọng rằng những sự cố, tai nạn đáng tiếc sẽ không còn xảy ra.