Phóng viên (PV): Thưa nhà văn, nhiều người nói ông đến với việc viết tiểu thuyết lịch sử là cái duyên. Nhưng quan trọng hơn, phải có sự dấn thân, niềm đam mê với nghề. Ông nghĩ sao về điều này?
Nhà văn Phùng Văn Khai (PVK): Tôi cho rằng đây là một quan điểm đúng, từ 20 năm trước, tôi đã đến với tiểu thuyết lịch sử một cách nghiêm túc. Đầu tiên là vì đam mê, tôi yêu các nhân vật lịch sử và luôn có khát khao được tìm hiểu về họ. Tác phẩm lịch sử đầu tiên của tôi viết về anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo với gần 100 trang văn. Nhưng tôi cảm thấy chưa đủ, để có thể khắc họa đầy đủ hình tượng của một vị anh hùng dân tộc cần rất nhiều yếu tố về tính cách, phong tục tập quán, những câu chuyện xoay quanh vị anh hùng đó. Tôi quyết định chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử. Ròng rã 20 năm chuyên tâm viết sử, tôi có cơ hội đi cùng các đoàn nghiên cứu, miệt mài điền dã hàng trăm ngôi đình, đền để lấy tư liệu, tham gia rất nhiều hội thảo khoa học, tôi làm việc không thấy mệt mỏi, càng viết lại càng say mê. Một phần là nhờ người thầy của tôi - nhà văn Hoàng Quốc Hải, đã luôn luôn động viên, khích lệ tôi, giúp quá trình chuyển hướng viết tiểu thuyết lịch sử của tôi được trọn vẹn và dễ dàng hơn.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của một quốc gia có nền độc lập, tự chủ từ rất sớm và có ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc. Từ các Vua Hùng, An Dương Vương…, các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn nối đến thời đại Hồ Chí Minh, đều là những trang sử vàng. Đây chính là mảnh đất vô cùng màu mỡ, nền tảng vững chắc cho những nhà văn yêu thích đề tài lịch sử, trong đó có tôi.
PV: Có ý kiến cho rằng: đọc tiểu thuyết của nhà văn Phùng Văn Khai không chỉ tự hào về trang sử hào hùng của đất nước mà còn hiểu thêm về văn hóa dân tộc, phong tục tập quán của ông cha ta. Ông có chia sẻ gì về việc sáng tác của mình?
PVK: Theo nghiệp văn chương thì bất kỳ một đề tài nào cũng đều khó khăn cả. Người viết về lịch sử thì điều quan trọng nhất vẫn là phải toàn tâm toàn ý với công việc của mình, sau là tính khách quan, ghi chép sự thật lịch sử. Viết về lịch sử đòi hỏi nhiều thứ, phải am hiểu về văn hóa của thời đại mà mình viết, thời đại mình đang sống. Thí dụ như viết về thời Lý, Trần phải hiểu rất rõ thời đại đó tồn tại ba dòng triết học lớn: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo và cùng phát triển trên cơ sở “tam giáo đồng nguyên”. Đó là sự tài tình của các nhà trị quốc khi dung hòa được ba dòng chảy này nhằm một mục đích là phụng sự dân tộc, phụng sự con người. Yếu tố văn hóa, xã hội của chính trị là những điều mà tôi muốn đưa vào những tác phẩm của mình bên cạnh các vấn đề lịch sử. Tôi luôn chú trọng đến việc xây dựng theo hệ thống phong tục tập quán trong hầu hết các tiểu thuyết của mình. Như trong cuốn “Vương triều Tiền Lý”, tôi cố gắng làm nổi lên tinh thần văn hóa hộ quốc của dân tộc ta. Một đất nước, một quốc gia không thể tách rời với nền văn hóa.
PV: Ngoài ra, trong tiểu thuyết của mình, ông không có nhiều yếu tố lãng mạn và sử dụng từ ngữ mỹ miều để miêu tả nhân vật. Thay vào đó ông tập trung vào tính logic, sự khoa học trong lịch sử. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
PVK: Đây cũng là điều tôi trăn trở, chúng ta đọc tiểu thuyết Trung Quốc như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Hồng lâu mộng”…, có nhiều đoạn thiên về đời sống tâm hồn, làm nổi bật tính cách của nhân vật. Ngược lại, với Việt Nam chúng ta thì khá khó, lý do là vì cho đến ngày nay, sử sách ghi lại về các vị vua còn khá sơ sài. Vậy nên khi viết, tôi phải ghi chép rõ ràng, cẩn thận, tập trung nhiều vào sự logic của tác phẩm. Có khoảng hơn 35 trận chiến lớn nhỏ trong bốn cuốn tiểu thuyết lịch sử “Ngô vương”, “Phùng vương”, “Nam đế Vạn Xuân”, “Triệu vương phục quốc”. Tôi tập trung tái hiện công việc giữ nước của những triều đại sớm nhất trong lịch sử gắn liền với tên tuổi của Phùng Hưng, Ngô Quyền… Có nhiều nhất là những trận thủy chiến vì địa hình nước ta sông ngòi chằng chịt. Mỗi khi tìm hiểu và viết xong, bao giờ tôi cũng tham khảo người có chuyên môn để thống kê số binh lính trong tiểu thuyết, làm sao để bảo đảm tính khoa học, chính xác nhất có thể. Trong cuộc hội thảo, tôi cũng tham khảo được thêm ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu để các trang viết của mình hướng tới độ khoa học cao.
PV: Những tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của nước ngoài có thể có nhiều mỹ nhân xuất hiện, tuy nhiên tiểu thuyết của ông thì ít thấy bóng dáng của họ?
PVK: Về vấn đề khoa học, các vị vua khai quốc, giành độc lập dân tộc muốn thu phục được tướng sĩ thì chính mình phải làm gương trước, chứ không thể vừa lên ngôi vua đã vội vàng lo chuyện thê thiếp được. Sẽ đến lúc tôi viết về những ông vua đánh mất nước, thì yếu tố mỹ nhân sẽ được cài cắm trong đó. Hiện tại các cuốn tiểu thuyết của tôi đang nghiêng về những trận đánh hiển hách nhiều cam go, tôi nghĩ đưa yếu tố mỹ nhân vào là không phù hợp. Còn nếu hỏi về mỹ nhân kế thì tôi xin bật mí một chút, trong cuốn tiểu thuyết đang viết về Hai Bà Trưng, có một cảnh có yếu tố liên quan, độc giả có thể đón tìm trong cuốn tiểu thuyết đó.
PV: Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tìm kiếm thông tin, tư liệu để phục vụ cho tiểu thuyết của mình được không ạ?
PVK: Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi tôi viết cuốn “Nam đế Vạn Xuân”. Tôi đã về ngôi chùa Cổ Pháp ở xã Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên. Chùa rộng nhưng hoang tàn, không có sư, chỉ có mấy bà vãi và dân thường sinh sống tại đó. Tôi thấy chạnh lòng khi biết đây là một ngôi chùa cổ, nhiều vị vua đã từng đến tu tập. Ban đầu tôi cảm thấy lo lắng khi tiếp xúc với người dân ở đây, nhưng trò chuyện với họ giúp tôi hiểu thêm về con người nơi đây. Khi đi thực tế như vậy, tôi cũng thấy được hệ thống địa hình, sông núi trên đó, rồi hình dung ra được ngày xưa các cụ ăn mặc ra sao, thời tiết khí hậu thế nào, phong tục tập quán có gì đặc biệt. Khoảng thời gian đó có vất vả nhưng tôi cảm thấy đó là sự cần thiết để hoàn thành được tác phẩm của mình.
PV: Xin cảm ơn nhà văn!