Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Cần "liều thuốc" mạnh xử lý dứt điểm thất thoát, lãng phí

Thất thoát, lãng phí đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, một số trường hợp là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển. Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đúng và trúng, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, làm sáng tỏ thêm vấn đề tại nghị trường cho thấy tâm huyết, trăn trở của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vì sự phát triển bền vững đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường trong phiên họp về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh | Thủy Nguyên
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường trong phiên họp về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh | Thủy Nguyên

Thất thoát, lãng phí còn phổ biến ở nhiều lĩnh vực

Báo cáo giám sát và ý kiến phát biểu của các ĐBQH tại nghị trường cho thấy những bước chuyển tích cực trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước lên tới hơn 350 nghìn tỷ đồng, song hành cùng với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, thất thoát, lãng phí còn rất lớn, nghiêm trọng, thể hiện rõ nét qua những "con số biết nói" làm nghèo đất nước, lãng phí nguồn lực quốc gia và mất đi cơ hội phát triển.

Đáng báo động, lĩnh vực đầu tư công có tới 3.085 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước có thất thoát, lãng phí. Hàng nghìn dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm, còn nhiều bất cập, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm.

Chỉ một số dự án điển hình các ĐBQH dẫn chứng cũng đủ xót xa về hệ lụy lãng phí. Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, nhưng khi triển khai thực tế gặp rất nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến thua lỗ kéo dài, nhiều ngư dân trở thành "con nợ" sau vài chuyến đi biển. Nhiều công trình hạ tầng bố trí vốn khống theo tiến độ dự án, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả sử dụng vốn, nên bỏ lửng, "đắp chiếu" nhiều năm, tài sản xuống cấp, hư hỏng xảy ra tại không ít địa phương. Một số hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài kém hiệu quả, thua lỗ.

Lãng phí trong lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề nóng. Đến hết năm 2021 có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích 28.155ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án; còn 305.043ha diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp có phương án bàn giao về địa phương chưa có quyết định thu hồi và phương án sử dụng. Diện tích đất để hoang hóa tại nhiều dự án, nhất là các khu đô thị còn lớn và kéo dài, nhiều khu đất vàng bị bỏ hoang nhiều năm, tạo nghịch lý đất sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế người dân cũng như phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Ý kiến của các ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) bày tỏ trăn trở trước bất cập trong quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới kém hiệu quả, khiến nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp; sai phạm, lãng phí trong mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tình trạng đầu tư công và các công trình sử dụng trụ sở sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, phô trương hình thức. Thất thoát, lãng phí còn xảy ra trong quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, y tế; vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Tinh giản biên chế mới chủ yếu giảm về số lượng, chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Phân tích của nhiều ĐBQH cho thấy, những số liệu thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình có thể nhìn thấy, đo đếm được, nguy hại hơn là lãng phí niềm tin, cơ hội phát triển. Tuy đã có hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồ sộ nhưng kỷ cương, kỷ luật thực hiện chưa nghiêm; một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế, tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" trong thực thi chính sách, hiệu lực, hiệu quả thực hiện công vụ chưa đáp ứng yêu cầu, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa triệt để; công tác quy hoạch thiếu tính tổng thể, còn dàn trải... là những tác nhân để thất thoát, lãng phí càng có đất dung thân.

Cần "liều thuốc" mạnh xử lý dứt điểm thất thoát, lãng phí ảnh 1

Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn, gây nhiều lãng phí. Ảnh | Ngọc Thành

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa tiết kiệm

Trong bối cảnh đất nước rất cần nguồn lực lớn để đầu tư phát triển, cuộc chiến chống thất thoát, lãng phí còn gian nan và trường kỳ, đòi hỏi sớm có các giải pháp để xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập với lộ trình phù hợp, sau giám sát phải đi đến cùng, không được "nói xong bỏ đấy". Theo các ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang), Siu Hương (Gia Lai), Trần Đức Thuận (Nghệ An), không nên quan niệm cái gì ít tiền, nhỏ là tiết kiệm mà thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần xem xét đồng bộ, toàn diện trong cả ngắn hạn, dài hạn và từng hoàn cảnh cụ thể. Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định cần tiết kiệm chi trên các lĩnh vực để tích lũy cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, chứ không phải giảm chi tiêu những thứ cần, những gì đáng chi là phải chi bảo đảm hợp lý, đúng quy định để mang lại hiệu quả.

Nhiều giải pháp khả thi được các ĐBQH tâm huyết hiến kế. Trước hết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm, mà phải trở thành "văn hóa", nền nếp, ý thức tự giác; không phải là hô khẩu hiệu, phong trào, mà thật sự thấm sâu, lan tỏa vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả nhất. Chỉ rõ căn nguyên sâu xa của lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh, bởi hệ thống pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, phẩm chất của mỗi cá nhân, không đặt lợi ích của cộng đồng, tập thể, quốc gia lên trên hết thì việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và còn rất nhiều vi phạm. Vì vậy, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Việc thực hành tiết kiệm ngay từ việc nhỏ, giảm hội họp, giảm lễ hội, lễ kỷ niệm, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phát huy hình thức họp trực tuyến.

Một trong những giải pháp được đề cập trong báo cáo giám sát là từ năm 2023, Quốc hội phát động trong toàn quốc cuộc vận động, Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số đại biểu đề xuất bổ sung các quy định về phát hiện và xử lý thông tin phát hiện lãng phí; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất với chế tài đủ mạnh để cảnh tỉnh và đủ sức răn đe; xây dựng định mức tiêu chuẩn, chế độ chi trên các lĩnh vực có cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung một số nội dung, lĩnh vực có nguy cơ cao, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành chống lãng phí.

Đồng cảm với khó khăn của người dân có nhà trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) và nhiều đại biểu kiến nghị cần kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ; đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng. Trong bối cảnh viên chức, công chức nghỉ việc ngày càng tăng, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong khu vực công, cần có các cơ chế thu hút, đãi ngộ, bồi dưỡng, khuyến khích nhân tài, xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cống hiến cho quê hương, đất nước.

Lãng phí rất phổ biến nên có khi còn tác hại hơn tham ô, do đó cần liều thuốc cực mạnh để xử lý dứt điểm. Cùng với phát huy văn hóa tiết kiệm, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phải chỉ rõ được trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào gây thất thoát lãng phí và xử lý nghiêm minh, nhằm nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Đó là mong muốn không chỉ của các ĐBQH mà của đông đảo cử tri.