Cam kết của lòng nhân ái

Cần phải bắt đầu ngay lập tức, nếu không muốn tất cả mọi cố gắng đều trở thành quá muộn màng. Châu Phi đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử, theo số liệu ước tính của Liên hợp quốc. Và chính vì vậy, nâng cao năng lực tự chủ chính là cách hữu hiệu nhất để giúp đỡ "Lục địa đen" tiến về phía tương lai.
0:00 / 0:00
0:00

Hơn 20% dân số châu Phi, tương đương khoảng 278 triệu người, đang phải đối diện nạn đói. Những số liệu thê lương này, từ lâu, đã không còn làm ai choáng váng nữa. Dịch bệnh, xung đột, chiến tranh, bất ổn chính trị, cộng thêm các hệ lụy của tiến trình biến đổi khí hậu/môi trường toàn cầu cùng cả quá trình suy thoái kinh tế… từ mấy năm qua đã khiến các vấn đề về "miếng ăn" của người dân châu Phi mỗi ngày một thêm trầm trọng.

Song, còn đáng sợ hơn, theo Hãng tư vấn rủi ro quốc tế Verisk Maplecroft (có trụ sở tại Mỹ) phân tích: Trên bình diện toàn cầu, tính đến năm 2045, thời tiết nắng nóng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân, và đe dọa mọi khu vực sản xuất lương thực của thế giới.

Đơn cử, chỉ trong vòng vài năm qua, tình trạng nắng nóng đã gây ra "rủi ro cực độ" đối với nền nông nghiệp ở 20 quốc gia. Dự kiến, trong những thập niên tới, mối đe dọa đối với 64 quốc gia, đóng góp 71% sản lượng lương thực toàn cầu, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mỹ, cùng các nước xuất khẩu gạo hàng đầu ở Đông Nam Á như Thái Lan hay Việt Nam sẽ ngày càng tăng.

Và như thế, có nghĩa là cơ hội để người dân châu Phi nhận được cứu trợ lương thực, thông qua các định chế quốc tế, cũng sẽ ngày càng thu hẹp lại.

Chính bởi vậy, Hội nghị cấp cao Lương thực châu Phi (diễn ra trong ba ngày tại Thủ đô Dakar của Senegal), với sự tham dự của các nhà lãnh đạo châu Phi, đại diện các ngân hàng phát triển và đối tác quốc tế, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh, rất được dư luận chú ý.

Gắn liền những cơn đói triền miên đầy ám ảnh vào cùng các vấn đề môi trường cũng như địa chính trị, điều quan trọng nhất được chờ đợi chính là một phương thức khả thi và hữu hiệu, nhằm giúp châu Phi tự chủ được vấn đề bảo vệ an ninh lương thực cho mình.

Chủ đề chính của hội nghị nhấn mạnh: Các nước châu Phi cần tăng cường năng lực sản xuất lương thực, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát và thiếu nguồn cung.

Người dân châu Phi xứng đáng được giúp đỡ (bởi lý do quan trọng nhất: Châu Phi chính là khu vực phát khí thải ít nhất, nhưng lại chịu nhiều tổn thương nhất từ các hệ lụy của biến đổi khí hậu), nhưng là giúp đỡ theo cách được trao "cần câu", chứ không phải "những mẻ cá".

Tuy nhiên, đầu tiên, để hướng đến khả năng tự chủ ấy, châu Phi cần được hỗ trợ càng nhiều càng tốt về cơ sở tài chính, nhằm xây dựng các chiến lược mang tính căn bản. Và khởi đầu năm 2023, những cam kết thiết thực cũng đã được đưa ra, nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

Như Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina thông báo tại phiên bế mạc ngày 27/1, các đối tác phát triển cam kết tài trợ 30 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực tại châu Phi trong 5 năm tới.

Một cách khách quan, châu Phi đã xúc tiến những nỗ lực tự thân từ trước. Đơn cử, gần nhất, ngày 24/11/2022, AfDB đã phê duyệt một gói tài chính trị giá 5,12 triệu USD cho Chương trình sản xuất lương thực khẩn cấp ở Liberia, bao gồm 2,28 triệu USD viện trợ và khoản vay trị giá 2,84 triệu USD. Đây là một phần hỗ trợ ngân sách ngành thuộc Cơ sở sản xuất thực phẩm khẩn cấp châu Phi của AfDB (AEFPF).

Như Giám đốc quốc gia của AfDB tại Liberia, ông Benedict Kanu, đánh giá: "Chúng tôi hoan nghênh sự chấp thuận kịp thời và rất được mong đợi này. Điều này sẽ cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và môi trường pháp lý cho nông nghiệp thích ứng với khí hậu ở Liberia", AEFPF cho đến nay đã mang lại lợi ích cho 26 quốc gia ở châu Phi với 26 chương trình tương ứng với tổng trị giá 1,25 tỷ USD.

Vấn đề là, số tiền ấy vẫn quá nhỏ bé, khi đặt cạnh những hiểm họa khổng lồ của nạn đói đang phủ cái bóng ghê rợn xuống lục địa này. Nó khiến cho những nỗ lực kề vai sát cánh cùng người dân châu Phi để tạo dựng các mầm xanh, như cách các sĩ quan Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam cùng nhiều cá nhân hay tổ chức đã và đang cố gắng thực hiện, trở nên khó khăn gấp bội.

Song, khi lòng nhân ái thúc giục các định chế tài chính lớn nhất toàn cầu nhập cuộc, những thay đổi tích cực hoàn toàn có thể xuất hiện. Để tạo nên thêm nhiều niềm hạnh phúc giản đơn, mang tên "ấm no"…