Chính sách cuộc sống

Các loại trí tuệ nhân tạo & tiềm năng

Trong một phiên tranh luận ngày 25/7/2023, thượng nghị sĩ Anh Lord Londesnbobough đã đề nghị thay thế Thượng viện Anh bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan sản phẩm Robots tại triển lãm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh | ĐỨC ANH
Khách tham quan sản phẩm Robots tại triển lãm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh | ĐỨC ANH

Ông cho rằng một thượng nghị sĩ người máy có thể đọc diễn văn như ông, bằng giọng của ông và thậm chí “đọc không vấp”. Sau khi tự đánh giá các phát biểu của mình (do Truyền hình Quốc hội Anh ghi lại), ông thừa nhận AI có thể đảm nhiệm vị trí của một thượng nghị sĩ “còn tốt hơn và có kiến thức sâu hơn”.

Không biết Lord Londesnbobough có thực lòng muốn thay thế Thượng viện Anh bằng AI không hay chỉ muốn dùng đề nghị của mình để mỉa mai về tính hình thức của thiết chế này. Tuy nhiên, đây có lẽ là lần đầu tiên một trong những thiết chế quan trọng bậc nhất của xã hội loài người bị đề nghị thay thế bằng AI. AI thật sự đang là một cuộc cách mạng có thể làm biến đổi sâu sắc và triệt để xã hội loài người.

Thật ra AI được chia thành 3 loại:

1. AI hẹp hay còn được gọi là AI yếu (Narrow AI-Weak AI), được thiết kế để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể mà nó được lập trình hoặc huấn luyện để thực hiện. Thí dụ, xe tự động lái, nó chỉ làm tốt một việc đó là lái xe.

2. AI phổ quát (Artificial General Intelligence - AGI) là loại AI có khả năng tư duy, học hỏi tương tự như con người; có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và có thể hiểu biết, học hỏi từ thông tin mới và tự định hình kiến thức của mình.

3. Siêu trí tuệ AI (Superintelligent AI). Đây là loại AI vượt xa khả năng của con người trong mọi khía cạnh. Nó có thể hiểu và giải quyết các vấn đề rất phức tạp mà con người không thể hiểu và giải quyết được.

Trong 3 loại AI trên thì loại có thể thay thế Thượng viện Anh có lẽ là AI phổ quát. Loại siêu trí tuệ AI có thể thay thế những gì thì ở thời điểm hiện nay chúng ta khó lòng tưởng tượng ra được.

AI hẹp đã được ứng dụng trong cuộc sống từ lâu và rất rộng rãi. Nó có thể được sử dụng để làm trợ lý ảo, phân tích ảnh và video, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (dịch thuật), chẩn đoán y học, phân tích tài chính, tự động hóa các quy trình sản xuất, điều khiển xe tự hành, quản lý năng lượng... AI hẹp có thể giúp con người nâng cao vô tận năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Năm 1997, AI Deep Blue đã đánh bại đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov chỉ sau 19 nước đi. Từ lúc đó đến giờ nó vẫn đang hoàn thiện việc chơi cờ vua của mình thì sẽ chơi cờ giỏi như thế nào, và con người làm sao có thể thắng nó được?!

AI phổ quát (AGI) vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển và nếu được phát triển thành công, thì ngoài các ứng dụng của AI hẹp, nó còn làm được rất nhiều việc phức tạp và cao siêu khác. AGI có thể: thúc đẩy tự động hóa toàn diện từ các ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất, vận chuyển đến dịch vụ và nông nghiệp; tiến hành những nghiên cứu khoa học vượt trội; chẩn đoán y học chính xác; sáng tạo nghệ thuật; phân tích dữ liệu quy mô lớn; giải quyết các vấn đề toàn cầu...

Với sự xuất hiện của công nghệ học máy, học sâu và mạng nơ-ron, AGI đang dần trở thành hiện thực trong cuộc sống. Nhiều nhà khoa học, trong đó có cả tỷ phú Elon Musk dự đoán loài người sẽ phát triển được AGI vào khoảng năm 2028-2030. Đây cũng là thời điểm được cho rằng singularity sẽ xảy ra (thời điểm trí tuệ của AI sẽ vượt qua trí tuệ của toàn bộ loài người).

Sau khi singularity xảy ra, AI sẽ trở nên thông minh theo cấp số nhân. Và nhiều chuyên gia cho rằng sau một thời gian ngắn AI sẽ trở nên thông minh gấp hàng triệu, thậm chí hàng tỷ lần con người. Đây chính là siêu trí tuệ AI và được xem là phát minh cuối cùng của loài người. Những phát minh vĩ đại sau đó đều sẽ do siêu trí tuệ AI thực hiện.

Ở thời điểm hiện nay, xác định các ứng dụng của siêu trí tuệ AI là hoàn toàn không dễ. Tuy nhiên, nó được xem là toàn năng: có thể nghiên cứu và tác động vào cấu trúc gen để con người trẻ mãi không già, sáng tạo ra công nghệ thu thập năng lượng từ vũ trụ, phát hiện hàng loạt các quy luật đang nằm ngoài nhận thức của loài người... Điều không hề chắc chắn là: con người sẽ còn làm chủ được siêu trí tuệ AI hay siêu trí tuệ AI sẽ làm chủ con người?

Những cơ hội to lớn và vĩ đại mà mỗi loại AI có thể mang lại chừng nào, thì thách thức cũng to lớn và vĩ đại chừng ấy. Nhận thức đầy đủ cũng như tìm cách để tận dụng được cơ hội, đồng thời vượt qua được thách thức của thời đại AI là nhiệm vụ cấp bách nhất của cả nhân loại, cũng như của mọi quốc gia trong giai đoạn hiện nay.