Hồi sinh những dinh thự cổ ở Chettinad

Trong thời kỳ hoàng kim, thị trấn Chettinad thuộc bang Tamil Nadu ở miền nam Ấn Độ là một trung tâm thịnh vượng của các thương nhân quốc tế. Dù vậy, sau khi kinh tế ở khu vực này suy thoái, những dinh thự cổ đã dần bị bỏ hoang. Một cộng đồng tại Chettinad đang muốn hồi sinh các dinh thự độc đáo này và quảng bá tới khách du lịch như một phần lịch sử của nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Một dinh thự bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: SNEHA THOMAS
Một dinh thự bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: SNEHA THOMAS

Theo The Guardian, các dinh thự ở Chettinad do các thương nhân giàu có xây dựng từ giữa thế kỷ 19 đến những năm 50 của thế kỷ 20. Những công trình kiến ​​trúc này tự hào với những hình chạm khắc phức tạp, khoảng sân rộng rãi, gạch lát rực rỡ và sự pha trộn giữa kiến ​​trúc Ấn Độ và châu Âu.

Các dãy dinh thự này mọc lên theo hình lưới, tạo thành những ngôi làng sát nhau, được thiết kế để các đại gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà. Dù có cùng bố cục phân bổ khi sắp đặt từ ngoài vào trong là không gian chung đến riêng tư, song thiết kế của mỗi dinh thự lại khác nhau, mang đến một nét đặc sắc cho khu vực này.

Tuy nhiên, bước vào thế kỷ 20, các cuộc chiến tranh toàn cầu đã làm gián đoạn nhiều tuyến đường thương mại. Không thể duy trì cuộc sống xa hoa, nhiều doanh nhân tại Chettinad đã phải bán một phần nhà của họ hoặc để chúng cho quản gia chăm sóc để đi làm ăn xa và chỉ trở về để tổ chức các nghi lễ chung. Từng là một mạng lưới thịnh vượng gồm khoảng 96 ngôi làng toàn dinh thự, hiện Chettinad chỉ còn 73 ngôi làng như vậy, với 19% số dinh thự bị phá bỏ. Không chỉ vậy, phần lớn dinh thự trong số 10.000 căn còn lại cũng rơi vào tình trạng hư hỏng hoặc bỏ hoang.

Trước đây, tất cả những người ở Chettinad đều là doanh nhân, nhưng đến thế kỷ 21 chỉ còn 20% dân số khu vực này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Hầu hết, người dân di cư đến thành phố lớn hơn hoặc chuyển đến các nước giàu có hơn để đổi lấy sự ổn định trong các ngành nghề hiện đại.

Các dinh thự tại Chettinad chỉ bắt đầu được hồi sinh sau khi khách sạn Bangala, vốn là một dinh thự cổ, đã thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Khách sạn này thuộc sở hữu của bà Aachi. Năm 1999, bà Aachi đã quyết định cải tạo dinh thự cũ của gia đình nhằm biến thành một khách sạn đầu tiên trong khu vực. Nhớ lại quyết định táo bạo này, bà Aachi, hiện đã 90 tuổi cho biết: “Chettinad không mang trong mình hình ảnh của một địa điểm du lịch và không ai ở đây biết bắt đầu từ đâu, vì vậy, đây từng là quyết định khó khăn. Song, tôi muốn hồi sinh dinh thự của gia đình cũng như các dinh thự khác tại đây, bởi chúng từng là nét văn hóa, lịch sử độc đáo của Chettinad”.

Sau khi mở cửa, Bangala đã đón nhiều lượt khách du lịch, khiến các dinh thự cổ ở Chettinad được quan tâm. Kể từ đó, nhiều khách sạn từ dinh thự cổ đã ra đời. Năm 2014, Chettinad thậm chí được thêm vào danh sách di sản dự kiến của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO).

Yacob Thomas George, Quản lý khách sạn Bangala cho biết: "Chúng tôi cần một kế hoạch không chỉ bảo tồn các tòa nhà mà còn mang lại sự phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương. Lấy cảm hứng từ Kochi-Muziris Biennale, triển lãm nghệ thuật lớn nhất Ấn Độ, chúng tôi đã phối hợp với cộng đồng trong khu vực quyết định tổ chức “Lễ hội Văn hóa và Di sản Chettinad” nhằm quảng bá du lịch, văn hóa”.

Lễ hội là một nỗ lực hợp tác của các khách sạn di sản tại Chettinad và cộng đồng địa phương. Lễ hội thường diễn ra trong 4 ngày, được tổ chức vào tháng 9 hằng năm. Ước tính, trong 3 năm qua, lễ hội đã giúp nền kinh tế địa phương thu được 2 triệu rupee (hơn 22.000 USD) mỗi ngày tổ chức. Không chỉ vậy, số lượng hướng dẫn viên địa phương được đào tạo tăng gấp 3 lần. Lễ hội năm ngoái đã đón hàng triệu lượt khách nhờ các hoạt động đặc sắc như lễ thắp sáng đèn, hòa nhạc, trình diễn thời trang, tour thăm dinh thự, đền thờ và địa danh lịch sử... Tất cả đều nhằm mục đích tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa của khu vực.