Bước đi đoàn kết

Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vừa thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ xem xét để Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Dù nghị quyết chỉ có tính biểu tượng, song đây được đánh giá là bước đi lớn thể hiện sự ủng hộ và tình đoàn kết của cộng đồng quốc tế với người dân ở vùng lãnh thổ đang chìm trong bạo lực.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: STEPHENS
Biếm họa: STEPHENS

Tại cuộc họp khẩn cấp đặc biệt bàn về tình hình Gaza và tư cách thành viên của Palestine, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết nói trên với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng. Nghị quyết tuyên bố Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của LHQ, đồng thời khuyến nghị HĐBA LHQ xem xét ủng hộ tiến trình này.

Việc Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết có ý nghĩa to lớn đối với quy chế và hoạt động của Palestine, theo đó vùng lãnh thổ này sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể sắp tới của Đại hội đồng vào tháng 9/2024, như đưa ra tuyên bố thay mặt một nhóm, trình các đề xuất và sửa đổi hay đề xuất các nội dung trong chương trình nghị sự tạm thời tại các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường… Tuy nhiên, do chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của LHQ.

Năm 1974, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 3237 công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) làm thành viên quan sát. Tới tháng 11/2012, Đại hội đồng tiếp tục thông qua nghị quyết trao cho Nhà nước Palestine quy chế “thành viên quan sát” tại LHQ. Hiến chương LHQ quy định việc kết nạp các thành viên mới do Đại hội đồng quyết định căn cứ theo một nghị quyết đề nghị của HĐBA, nơi thành viên xin gia nhập cần nhận được 9/15 phiếu ủng hộ và không có ủy viên thường trực nào phủ quyết. Palestine sau đó cần nhận được sự ủng hộ của hai phần ba số thành viên Đại hội đồng LHQ để trở thành thành viên chính thức.

Mới đây nhất, hồi giữa tháng 4, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết để một lần nữa ngăn chặn nghị quyết của HĐBA liên quan việc ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ. Về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột ở Trung Đông, Mỹ cho rằng, Palestine và Israel có thể cùng tồn tại với điều kiện bảo đảm an ninh cho nhà nước Do thái. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, giải pháp hai nhà nước là khả thi song trước tiên cần giải quyết vấn đề Palestine.

Trong khi đó, nhiều nước cũng kêu gọi thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước, coi đây là con đường duy nhất chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan cho rằng, việc hỗ trợ thực hiện giải pháp hai nhà nước phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất và HĐBA LHQ. Ông Faisal cũng lưu ý tình hình ở Gaza rõ ràng là một thảm họa xét về vấn đề nhân đạo và là sự thất bại hoàn toàn của hệ thống chính trị hiện nay trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng đất này. Theo cơ quan y tế tại Dải Gaza, ít nhất 34.000 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 77.000 người đã bị thương kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát vào tháng 10/2023. Trong khi đó, xung đột cũng khiến 1.200 người Israel thiệt mạng.

Nhằm giảm nhẹ khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, Liên minh châu Âu (EU) thúc giục cộng đồng quốc tế tài trợ cho Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). Trước đó, Israel cáo buộc hàng trăm nhân viên của cơ quan này có liên quan hoạt động khủng bố, khiến cho khoản tài trợ trị giá 450 triệu USD cho hoạt động của UNRWA bị đình chỉ. Tổng Thư ký LHQ Guteres cho biết, xung đột nhiều tháng qua đã biến Gaza thành “địa ngục trần gian” và 2,3 triệu người tại đây cần hỗ trợ khẩn cấp thực phẩm, nước sạch, thuốc men và nơi trú ẩn. Nhiều nước như Thụy Điển, Canada, Nhật Bản, Pháp và các nước EU đã nối lại viện trợ trong khi những nước khác, trong đó có Mỹ và Anh vẫn chưa khôi phục tài trợ cho UNRWA.

Cùng nhiều điểm nóng bạo lực khác trên thế giới, cuộc xung đột ở Gaza đang gây ra các mối đe dọa địa - chính trị và rủi ro lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết tìm giải pháp nhằm giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông, tránh những tác động dây chuyền của các cuộc xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế.