Bởi không thảm kịch nào là nhỏ bé

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính: Thảm họa động đất và những dư chấn có thể gây ra thiệt hại vật chất trực tiếp khoảng 5,1 tỷ USD ở Syria, con số dường như không để lại ấn tượng nào nếu đặt cạnh tổn thất kinh khủng gấp bội của người láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Song, một cách ngắn gọn, như Giám đốc WB phụ trách khu vực Trung Đông Jean-Christophe Carret nhận định: Các tổn thất này càng làm trầm trọng thêm những đau khổ và sự tàn phá mà người dân Syria phải chịu đựng trong nhiều năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà cửa bị phá hủy sau trận động đất kinh hoàng tại Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/2/2023. Ảnh: TTXVN
Nhà cửa bị phá hủy sau trận động đất kinh hoàng tại Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/2/2023. Ảnh: TTXVN

Chỉ tính giá trị hiện tại của các tòa nhà và cơ sở hạ tầng bị hư hại bởi động đất, mức thiệt hại đã bằng khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria, chưa kể những tác động và tổn thất rộng hơn đối với cả nền kinh tế.

Và chúng ta cần nhớ rằng, ngày 10/2, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk đã phải kêu gọi: Lập tức ngừng bắn tại Syria, nhằm tạo điều kiện cứu trợ cho các nạn nhân của trận động đất hôm 6/2, đồng thời tôn trọng đầy đủ quyền con người và các nghĩa vụ về luật nhân đạo để hỗ trợ tất cả người dân.

Chỉ chi tiết này thôi, có lẽ cũng đã đủ để nói lên quá nhiều điều, về hiện trạng bi thương mà Syria đã và đang phải đối diện.

Miền tây bắc Syria, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa động đất, trước đó, đã có tới 90% dân số phụ thuộc vào hỗ trợ nhân đạo. Còn hiện tại, ở nơi này, tình hình đã leo thang theo hướng xấu, đến độ có thể coi là một cuộc khủng hoảng nhân đạo đích thực.

Sau thảm kịch, theo Liên hợp quốc, có khoảng 5,3 triệu người dân Syria mất nhà cửa, và rất cần những hỗ trợ về thực phẩm, y tế, dinh dưỡng, lều tạm trú, vật dụng tránh rét cũng như các hàng hóa-vật phẩm thiết yếu khác.

Mặc dù số nạn nhân tử vong được xác nhận ở Syria thấp hơn nhiều so với người hàng xóm Thổ Nhĩ Kỳ, song hơn một thập niên xung đột-nội chiến giữa các phe phái đã khiến Syria hoàn toàn không có sự chuẩn bị để ứng phó với thảm họa ở mức độ nghiêm trọng này.

Trong khi đó, ngay từ những ngày đầu "hung tin" xuất hiện, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đến thành phố Aleppo bị động đất tàn phá, và cảnh báo: "Người dân có thể sẽ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, truyền nhiễm… và các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe tâm thần".

Và bên cạnh đó, theo giới chức Syria, cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tạo ra khoảng trống về an ninh đối với khu vực biên giới kéo dài 500km, để trở thành cơ hội tốt cho các tổ chức khủng bố cực đoan như IS trỗi dậy tập hợp lực lượng.

Hỗ trợ nhân đạo đã khó khăn cùng cực, thì hành trình tái thiết sẽ còn gian nan đến đâu?

Đã có những câu chuyện xám xịt được kể lại, dù đã lược bỏ các yếu tố u ám tang thương. Thí dụ, một cư dân may mắn sống sót, ông Ramadan al-Suleiman, nói với Reuters trong sự tĩnh lặng rợn người: "Tôi đã đi vòng quanh các tòa nhà, nơi tôi biết có một số học sinh của trường sinh sống. Nhưng 90% các tòa nhà trong số đó đã bị phá hủy. Tôi sợ rằng một số học sinh đã không thể sống sót, vì chúng tôi không thể liên lạc được với gia đình của các em".

Khoảng 115 trường học đã bị phá hủy, cùng hàng trăm ngôi trường khác bị hư hại (bên cạnh bảy bệnh viện và 145 cơ sở y tế). Tương lai, vì thế cũng trở nên thêm mờ mịt, bởi học vấn là yếu tố nền tảng để mọi xã hội phát triển.

Syria đã gần như cạn kiệt nguồn lực. Ngày 4/3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) kêu gọi các nước đẩy nhanh quá trình tái định cư và tiếp nhận người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, để giúp những người dễ bị tổn thương nhất này và giảm áp lực cho cộng đồng địa phương.

Và cho dù thảm kịch ít nhất cũng giúp tạo nên điểm "phá băng" mối quan hệ ngoại giao giữa Syria và Ai Cập, cho dù Ai Cập "hé cửa" và kêu gọi ủng hộ Syria trở lại với cộng đồng các quốc gia Arab, cho dù những nguồn viện trợ nhân đạo khẩn cấp cũng đã và đang đến, cho dù Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngay từ đầu đã cho phép triển khai hoạt động cứu trợ (kể cả ở những nơi phe đối lập kiểm soát), cho dù EU nới lỏng các biện pháp trừng phạt Syria…, thì dường như vẫn là chưa đủ để thật sự nghĩ đến việc nghiêm túc triển khai các biện pháp tái thiết.

Bởi, điều cốt lõi là những cuộc giao tranh vẫn đang sẵn sàng bùng nổ, trên đất nước khổ đau này…