Bồi đắp thêm sinh khí cho ca trù

Cuộc thi “Sáng tác lời thơ mới cho các thể cách Hát nói trong Ca trù” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đã thu hút được không ít tác giả tâm huyết với ca trù ở nhiều lứa tuổi. Các tác phẩm dự thi đạt giải lần này đã thổi “làn gió” mang âm hưởng hiện đại vào bộ môn nghệ thuật truyền thống và uyên bác của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân ca trù biểu diễn một số tác phẩm được giải cao trong cuộc thi.
Các nghệ nhân ca trù biểu diễn một số tác phẩm được giải cao trong cuộc thi.

Hài hòa thể cách cổ, lời thơ mới

Ban tổ chức (BTC) đã nhận được 135 tác phẩm dự thi từ các cá nhân yêu nghệ thuật ca trù của các câu lạc bộ (CLB) hay tổ chức văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Có người chỉ gửi một tác phẩm, nhưng cũng có người gửi tới 15 tác phẩm tối đa như thể lệ. Điểm đáng chú ý đầu tiên là độ tuổi tham gia của các tác giả rất đa dạng, từ người trẻ nhất là 28 tuổi cho tới các bậc cao niên 95 tuổi. Đa phần trong số đó là thành viên đến từ các CLB ca trù có tiếng của Thủ đô như CLB Ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên), CLB Ca trù Lỗ Khê (Đông Anh), CLB Ca trù Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (Thanh Xuân), CLB Ca trù Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm). Cuộc thi cũng nhận được không ít bài thi của tác giả ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Nhiều tác giả không hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật song lại dành sự quan tâm đặc biệt cho ca trù, có khả năng sáng tác và có những tác phẩm rất tốt.

Có thể nói, sáng tác lời cho ca trù rất khó, đòi hỏi tác giả là người hiểu biết về niêm luật, hiếu cổ. Lại cần phải hiểu về âm luật để khi sáng tác lời thì người hát có thể hát được. Điều khiến cho BTC ngạc nhiên đó là trong những tác phẩm đạt giải, nhiều bài rất công phu, cầu kỳ, dùng chữ Hán, giải thích cặn kẽ, tập cổ rất tốt, có những tác phẩm đạt được tầm hơi thở thời đại. “Ca trù là sự đồng hành, hài hòa của thơ, nhạc và đàn. Nhưng mỗi thời đều có thể mang tới lời thơ riêng phù hợp với thời đại của mình. Bởi thế, thể cách ca trù vẫn giữ nguyên nhưng vì lời thơ mới nên người cầm chầu như tôi phải hiểu câu nào “đắt” trong lời thơ để thưởng, hoặc câu nào đào nương hát hay để thưởng. Hoặc người quan viên phải nắm rõ năm khổ đàn, năm khổ phách của ca nương để đánh vào cho khớp”, ông Nguyễn Quyết Thắng, quan viên cầm chầu của CLB ca trù Thái Hà chia sẻ.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khẳng định: “Cuộc thi là ý tưởng hay, kế hoạch rất đáng hoan nghênh của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Lớp trẻ hiện nay không phải không thích mà đang thiếu đi cơ hội tìm hiểu cặn kẽ về nghệ thuật cổ như ca trù. Chúng tôi rất hoan nghênh các tác giả có kiến thức sâu rộng về thơ ca chữ Hán, chữ Nôm lẫn niêm luật, thể cách ca trù đã tham gia cuộc thi và mong sẽ có nhiều bạn trẻ hơn nữa tham gia các cuộc thi tiếp theo, để trao truyền những nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc”.

Khích lệ tình yêu nghệ thuật cổ

Mặc dù các tác phẩm đến từ các tác giả tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa đạt những thứ hạng cao nhất. Nhưng đó là những người có đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn bộ môn nghệ thuật vẫn trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp này. Bởi vậy, các sáng tác của họ tuy không quá xuất sắc về giá trị văn chương, song vẫn đúng quy định, người hát có thể hát được, phản ánh một phần cuộc sống đương đại. BTC đã có sự cân nhắc các tiêu chí để trao giải, kịp thời động viên và khích lệ họ trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy ca trù.

Các tác phẩm đạt giải cao lần này gồm có 10 giải khuyến khích, 3 giải ba, 2 giải nhì và một giải nhất. Đáng chú ý là những tác phẩm được giải cao nhất lại đến từ những tác giả không trong CLB ca trù nào, đơn cử như hai giải nhì cho tác phẩm “Cảm thu” của tác giả Lê Tiến Đạt, “Nhớ Thăng Long (kỳ 1)” của tác giả Nguyễn Quang Duy và đặc biệt phải kể tới tác phẩm đạt giải cao nhất là “Quang âm thấm thoắt” (bài thứ nhất) của tác giả Phạm Văn Ánh...

Chia sẻ với phóng viên Thời Nay, tác giả Phạm Văn Ánh cho biết: “Do công việc liên quan nghiên cứu văn học, nên tôi có điều kiện tìm hiểu về văn học cổ, trong đó có hát nói. Đợt vừa rồi trong chuyến công tác tới Thiên Cầm (Hà Tĩnh), tôi đã qua thăm di tích thờ cụ Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, tôi có cảm hứng làm hai bài thơ. Nhưng tôi không ngờ là khi gửi chùm bài thơ này tham gia cuộc thi lại được BTC đánh giá tốt như vậy. Hai bài của tôi là Hát nói đủ khổ có mưỡu kép. Trong đó, bài thứ nhất được giải sử dụng câu chữ từ các tác phẩm kinh điển, có hơi hướng tư tưởng nhân sinh của cụ Nguyễn Công Trứ. Đó là cảm nghiệm về nhân sinh bé nhỏ, khoảnh khắc hữu hạn trước cái vô hạn của thời gian. Bởi vậy, hãy biết tận hưởng cuộc nhân sinh ấy”.

BTC đã khuyến nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ghi âm, ghi hình các tác phẩm đạt giải cao, xuất bản, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, tới các CLB Ca trù để các ca nương, kép đàn biểu diễn trong các cuộc hát Ca trù…