Bát nháo trông giữ xe ngày Tết

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Nguyễn Quỳnh Nga (quận Tây Hồ, Hà Nội)

Ở Thủ đô Hà Nội nói riêng và các khu đô thị lớn nói chung, tình trạng thiếu địa điểm, không gian đậu đỗ phương tiện cá nhân, nhất là ô-tô con, vốn là câu chuyện chưa bao giờ có hồi kết. Không kể vỉa hè, đường cấm, vạch kẻ đường cho người đi bộ hay trạm dừng đỗ xe bus…, nơi đâu cũng có thể biến thành chỗ đỗ xe.

Tình trạng trên càng diễn biến phức tạp trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua. Những tưởng khi có nhiều người dân trở về quê đón Tết, việc đỗ xe bừa bãi sẽ phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược. Có vẻ như những gia đình sở hữu ô-tô đã tự coi việc dừng, đỗ dưới lòng đường hoặc trên vỉa hè là điều hiển nhiên. Đáng ngại hơn, không ít người tự ý tổ chức các điểm trông giữ xe trái phép nhằm trục lợi cá nhân. Tình trạng này thường diễn ra chung quanh những danh lam, thắng cảnh, địa điểm du xuân đầu năm mới. Cách tổ chức, duy trì các điểm trông giữ này thường là “lập lờ” bám sát quanh những vị trí “chính thống” do chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp được phép phục vụ nhu cầu của người dân.

Đơn cử như tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) hoặc Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ)… có thể dễ dàng tìm thấy nơi gửi xe trái phép với giá dao động từ 30-50 nghìn đồng/xe máy và 150-200 nghìn đồng/ô-tô. Có thể, nhiều người sẽ cho rằng đây là mức giá “chấp nhận được” để đổi lấy sự thoải mái trong những ngày Tết. Thế nhưng, việc giá gửi xe không cố định, không được niêm yết công khai và thiếu kiểm soát đã dẫn đến những phiền toái không nhỏ. Vào giờ cao điểm, khi vị trí đỗ xe trở nên “khan hiếm”, giá trông giữ có thể tăng thêm 50% hoặc thậm chí 100%. Vì vậy, không khó để bắt gặp cảnh cự cãi về giá cả giữa các chủ phương tiện và “nhân viên bãi trông giữ” hoặc ngay chính giữa những “bãi xe” gần nhau.