Phòng rắn độc lúc giao mùa

Chỉ vì vài khoảnh khắc thiếu cẩn trọng, nhiều người dân đã phải nhập viện trong đau đớn vì rắn độc cắn. Rất cần nâng cao đề phòng, cảnh báo, nhất là thời điểm vào hè như hiện nay. 

Phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận đã tiếp nhận liên tục nhiều trường hợp bị rắn độc cắn.
Phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận đã tiếp nhận liên tục nhiều trường hợp bị rắn độc cắn.

Liên tục nhiều người bị rắn cắn

Ngồi bệt trên nền đất, nhìn về đám rẫy của mình, ông Trần V.T (Ninh Sơn, Ninh Thuận) vẫn còn giật mình thảng thốt, nhớ lại: Chỉ có chớp nhoáng mà con rắn hổ mang đã bập vào chân mình. Hai vết răng nanh độc in sâu trên bắp chân sau đó sưng, tấy đỏ và bầm tím. Mình chỉ kịp hô hoán người chung quanh đến trợ giúp.

Con rắn cắn ông T từ khu vực bụi rậm bò ra và ẩn nấp dưới những lùm cỏ khô. Khi dọn dẹp vườn, rẫy, người chạm phải rắn, chạy tránh không kịp. Nhiều người khác ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận trong khi đi làm rẫy cũng bị rắn độc “hỏi thăm”. Có người chạy thoát nhưng vẫn mang nỗi ám ảnh. 

Chị Võ Thị Mỹ trong lần về thu mua nông sản ở khu vực Ninh Phước cũng suýt bị rắn độc cắn vào bắp đùi. Chị kể, mới mưa xong, thời tiết oi bức quá nên vào trú mát chỗ có nhiều tán cây cạnh rẫy trồng nông sản của một hộ dân. Bất ngờ có tiếng động nhẹ từ những tán lá mục, sau đó một con rắn lao đến chỗ chị ngồi nhưng rất may chị đã chạy kịp. 

Bước qua “cửa tử”, nhưng những ngày đầu tháng 6, nằm trong Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận, ông Hồ Văn H vẫn còn run rẩy khi nhớ đến lúc bị rắn độc lao vào cắn. Trong lúc đang đi làm rẫy, ông H thấy một con rắn mầu xanh áp sát mình, chưa kịp chạy thì đã bị cắn. Khi ông H được đưa đến bệnh viện cấp cứu thì đã rơi vào trạng thái sưng cứng lưỡi và nướu, khó thở… Cũng trong những ngày tháng 6, bà Võ Thị Th cũng phải li bì trong phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận suốt nhiều ngày vì bị rắn độc cắn. 

Theo lãnh đạo bệnh viện, thì bệnh nhân Hồ Văn H và Võ Thị Th được các thầy thuốc cứu chữa “thần tốc” nhất để ngăn chặn chất độc lan rộng, ngấm sâu vào cơ thể. Tuy nhiên, rắn cắn ông H là rắn lục nưa, loại rất độc. Ê kíp cấp cứu phải làm đủ các biện pháp trong suốt gần 20 ngày, bệnh nhân mới có thể ngồi dậy, đi lại. Bệnh viện đã truyền cho ông H hơn 100 đơn vị máu. Xưa nay hiếm có ca nào bị rắn độc cắn ở Ninh Thuận mà truyền lượng máu nhiều như ông H. Cho đến cuối tháng 6, ông H mới được xuất viện. Bà Võ Thị Th thì có nhẹ hơn, lượng máu truyền ít hơn nhưng cũng rất vất vả trong việc cấp cứu. 

Từng bị rắn cạp nong cắn ở khu vực Bác Ái (Ninh Thuận), anh Lê Đức Th kể, khi bị cắn xong thấy đau rát nghiêm trọng tại vết thương, sau đó sưng nề và bầm tím, lan dần ra cánh tay nên gia đình đã tức tốc đưa đến bệnh viện. Sau khi nhận định chính xác tình hình, các y, bác sĩ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu kịp thời nên sức khỏe dần bình phục, không có biến chứng xảy ra. 

Đưa đến viện càng nhanh càng tốt

Với việc cấp cứu do bị rắn độc hoặc cực độc cắn, yếu tố thời gian rất quan trọng. Trường hợp nặng thì bệnh viện huy động sự phối hợp của nhiều khoa để cùng cứu bệnh nhân. Bệnh viện cũng đồng thời tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu sự nguy hiểm khi bị rắn độc cắn. 

Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 ca nhập viện cấp cứu vì bị rắn độc cắn ở Ninh Thuận. Có thời điểm cùng lúc tiếp nhận nhiều bệnh nhân. Trước tình trạng này, bác sĩ chuyên khoa II Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận cho biết: “Nhờ được tuyên truyền nên có những bệnh nhân đã biết tìm đến cơ sở y tế sớm. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, cơ may được cứu sống cao. Tuy nhiên, có những trường hợp bị rắn hổ mèo cắn khiến hoại thư tại chỗ. Có khi vết cắn nhỏ ở tay nhưng gây hoại thư rộng ra bàn tay, cánh tay. Khi đó sau khi nỗ lực cứu sống thì phải phối hợp giữa cấp cứu với Khoa ngoại Chấn thương-Chỉnh hình để kéo da, đắp da, cấy da, là da… rất công phu mới có thể hồi phục cho bệnh nhân. Với những ca bệnh như thế đòi hỏi tay nghề của các bác sĩ phải vững vàng”.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, thời điểm hiện nay đang giao mùa, mưa xuống nên rắn độc hay xuất hiện. Người dân đi lao động, sản xuất cần cẩn trọng, nhất là khu vực nhiều lá mục, ẩm ướt hay rậm rạp. Đặc biệt, những nơi rắn hay trú ngụ như hang đá, hốc cây…, khi nước mưa đọng vào rắn sẽ bò ra ngoài. Mùa hè cũng là thời điểm rắn sinh sôi nhiều. Một số loại rắn độc thường gặp như: Rắn hổ mang chúa, hổ mang thường, rắn cạp nong, cạp nia, rắn lục, lục nưa… Để đề phòng rắn độc cắn thì người dân, nhất là người đi làm rẫy, làm đồng ở những nơi nhiều hang đá, rừng cây, lá mục… nên trang bị thêm quần áo bảo hộ an toàn. Khi đi đến vùng tối như vào rừng, rẫy, nên trang bị đèn pin để rọi đường trước.

Khi bị rắn cắn, cùng với việc khẩn cấp gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế thì nên để bệnh nhân hạn chế cử động. Không nên lùa đuổi theo để đánh hay bắt rắn. Nếu nhớ mầu sắc hoặc tên loại rắn thì cung cấp ngay cho các y, bác sĩ để có những chẩn đoán, điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. 

Cũng theo bác sĩ Phiên, hiện tại các phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại ở Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận đã được trang bị tốt. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của các thầy thuốc cũng được tích lũy nhiều nên cứu chữa được hầu hết các ca bệnh khó. Người bị rắn độc cắn hay người nhà cần phối hợp tốt với các thầy thuốc trong quá trình cứu chữa.