Tìm cách mới “nâng cấp” sức khỏe cộng đồng

Điều mà chàng trai trẻ Lương Anh Trung (32 tuổi) thật sự say mê chính là nâng cao sức khỏe người thân và cộng đồng bằng những phương pháp y học tiến bộ trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tham gia trực tiếp cùng ông Wimhof trong khóa học. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Trung tham gia trực tiếp cùng ông Wimhof trong khóa học. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Đi tìm ý nghĩa của “chữa lành”

Trung từng học tập về hình thức trị liệu bằng năng lượng Reiki tại Nhật Bản. Năm 2019, Trung lại tiếp tục học về y học Ayurvedic (viết tắt là “Ayurveda”) và tốt nghiệp tại Trường y học cổ truyền Ayurveda College (Ấn Độ). Đó đều là những phương pháp trị liệu được thực hành rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới.

“Tôi tình cờ biết được về phương pháp Wimhof thông qua những video YouTube về quá trình một vận động viên bị chấn thương đã hồi phục và lấy lại phong độ thi đấu sau khi tham gia trị liệu cùng chính ông Wimhof. Phương pháp Wimhof rất đơn giản, chỉ thông qua việc thở và ngâm nước đá. Nguyên lý của Wimhof dựa trên việc tăng cường nội lực tinh thần và thể chất thông qua việc đối mặt với trạng thái stress cao trong quá trình ngâm nước đá. Nếu chủ động đối mặt với stress trong cơ thể và quản trị được bản thân trong quá trình ngâm nước đá từ 3 đến 5 phút, đôi khi là 10 phút thì bạn cũng sẽ chủ động hơn trước những vấn đề stress khác trong cuộc sống”, Trung phân tích.

Wimhof là vận động viên thể thao mạo hiểm người Hà Lan có biệt danh “Người băng” nhờ phá vỡ 26 kỷ lục thế giới và phá vỡ kỷ lục Guiness 18 lần, chủ yếu liên quan đến sức bền và chịu đựng giá lạnh như chạy marathon trên Vòng Bắc Cực bằng chân trần, hoặc leo núi Kilimanjaro chỉ với quần short, chạy marathon 42 km ở sa mạc Namib mà không cần uống nước... Sử dụng thiên nhiên khắc nghiệt làm “thầy giáo”, quá trình rèn luyện giúp ông Wimhof học cách kiểm soát hơi thở, nhịp tim, lưu thông máu và chịu được nhiệt độ khắc nghiệt. Wimhof cũng coi việc chia sẻ những gì mình học được với thế giới là sứ mệnh. Nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện trên cơ thể Wimhof và học viên của ông, như nghiên cứu năm 2014 tiêm chất độc E.Coli đã cho thấy người luyện tập phương pháp Wimhof có thể kiểm soát hệ thần kinh giao cảm và phản ứng miễn dịch, hay nghiên cứu năm 2018 cho thấy phương pháp này kích hoạt các vùng não chịu trách nhiệm ức chế cơn đau, có thể dẫn đến vai trò tiềm năng của phương pháp này như một loại thuốc giảm đau nội sinh...

“Nhóm củi” từ bên trong cơ thể

Từ tìm hiểu gián tiếp, Trung đã trực tiếp tham gia vào khóa học của ông Wimhof tại Hà Lan. “Trong dịp này, tôi đã có cơ hội leo núi tuyết trong nhiệt độ âm cùng gió tuyết với hành trình kéo dài hơn ba tiếng đi lên và ba tiếng đi xuống. Để làm được điều này, Wimhof đã hướng dẫn tôi cùng các học viên tập trung vào từng hơi thở, giống như đang “nhóm củi” bên trong cơ thể”. Trung cũng phân tích rằng, cần phải có sự tập trung cao độ, bám vào hơi thở để làm ấm cơ thể. Thử thách ngâm nước đá và bước ra bước vào 4 lần cũng rất khó khăn, chỉ có duy nhất tập thở mới giúp mình giữ ấm. Đồng thời, Wimhof còn chia sẻ động tác trung bình tấn, siết hai cơ tay đi xuống nhằm đẩy khí lạnh ra ngoài các chi hiệu quả hơn, tránh để cơ thể rơi vào trạng thái hạ thân nhiệt. Ngoài ra, sau khi tiếp xúc lạnh thì chốt cuối cùng là nên tắm bằng nước lạnh, làm lỗ chân lông đóng lại để không nhiễm khí hàn bên ngoài, giúp thân nhiệt không bị giảm đột ngột.

Sắp tới, Trung sẽ tiếp tục học lấy chứng chỉ cấp độ 1 của phương pháp Wimhof tại Tây Ban Nha, với mong muốn trở thành chuyên gia người Việt đầu tiên về phương pháp thở và ngâm nước đá này. Hiện tại, trung tâm Natural Healing Center vẫn thường xuyên đón nhiều người mong muốn tìm hiểu, hoặc muốn nâng cao sức khỏe, thậm chí là tìm cho mình hướng đi mới trong việc trị liệu tinh thần và thể chất với cả ba phương pháp Reiki, Ayurveda và Wimhof.

“Sau khi tìm hiểu và tham gia, tôi thấy có rất nhiều lợi ích khi thực hành phương pháp tắm nước đá lạnh, như giúp giảm viêm, hoặc giảm đau cơ, khớp... Tắm lạnh cũng giúp cải thiện tâm trạng khi kích thích não tiết ra một loại hormone giảm căng thẳng. Phương pháp này được khoa học chứng minh còn giúp tăng cường miễn dịch, kích thích hệ thống bạch huyết, sản xuất tế bào chống nhiễm trùng, cải thiện lưu thông máu trong các mô... Tuy nhiên, cần chú ý những người có bệnh nền, huyết áp, tiểu đường hay phụ nữ có thai nên hạn chế hoặc có chuyên gia đồng hành”, bác sĩ y học cổ truyền Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

“Sau chuyến đi, tôi không còn cảm thấy sợ trúng gió như trước đây, hệ miễn dịch cũng được tăng cường nên có thể thoải mái ngồi ngoài trời, đi lại chạy bộ trong thời tiết lạnh. Tôi rất muốn những người chung quanh thấy được lợi ích sức khỏe của các phương pháp này, đồng thời tạo nên một cộng đồng, hỗ trợ những người có vấn đề trong cơ thể vật lý và tâm lý, đặc biệt là các bạn trẻ”, Trung tâm sự.