Chia nước cho vùng hạn mặn

Từ cuối tháng 3 đến nay, nhiều đơn vị, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nước ngọt miễn phí đến người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì hạn mặn. Những xe nước nghĩa tình đã phần nào giúp bà con đỡ nhọc nhằn.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nước ngọt đến người dân tỉnh Tiền Giang.
Sinh viên Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nước ngọt đến người dân tỉnh Tiền Giang.

Đỡ đần nơi khó

Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) vừa tổ chức hai chuyến chở 520 m3 nước ngọt về vùng hạn mặn, mong chia sẻ phần nào khó khăn cho bà con ở Tiền Giang và Bến Tre.

Tại hai xã Phú Đông và Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, chương trình “Cùng Tuổi trẻ HUTECH “chở nước ngọt” về vùng hạn, mặn” đã cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 hộ với gần 3.600 người dân. Chuyến đi đầu tiên chở 120 m3 nước sạch đến từng hộ gia đình. Thầy cô và sinh viên nhà trường còn lắp đặt các bồn chứa nước ở gần khu vực dân cư để người dân, đặc biệt là người già thuận tiện lấy nước sạch về sử dụng.

Viện Khoa học ứng dụng HUTECH và Hội doanh nghiệp cựu sinh viên Viện còn tổ chức chương trình “Mang nước ngọt đến người dân vùng hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long” tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Người dân ở các xã Thuận Điền, Phước Long và Châu Bình đã được tặng 400 m3 nước ngọt phục vụ sinh hoạt.

Tháng 7 tới, nhà trường sẽ phối hợp các đơn vị để tổ chức chương trình tình nguyện Mùa hè xanh năm 2024 đến các địa phương gặp khó khăn tại khu vực Tây Nam Bộ. “Tại các điểm phát nước, chúng tôi cảm nhận rõ sự phấn khởi của bà con miền Tây trên từng nét mặt và ánh mắt khi có xe nước đến”, Ths Đỗ Trần Thành, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên HUTECH cho hay.

Tính từ ngày 30/3 khi xe bồn đầu tiên của Color Tour - Du lịch thiện nguyện (Công ty TNHH Color Group) chở 40 m3 nước sạch đến với bà con đang chịu ảnh hưởng hạn mặn ở tỉnh Tiền Giang đến nay, đơn vị đã tặng hàng trăm khối nước ngọt cho ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An với lịch trình 4-5 xe (ngày thường) và 8-10 xe (cuối tuần), mỗi xe chứa từ 40-42 m3 nước máy.

Những câu chuyện đẹp

Cùng đồng nghiệp Color Tour tham gia chuyến xe tặng nước tại Tiền Giang, chị Phạm Thúy Phượng Chi cảm nhận rõ cái tình của người dân những lúc chật vật như thế này. Trước khi xe bồn chứa nước tới, các địa phương đã bố trí sẵn đội ngũ tình nguyện viên để kịp thời chuyển nước sang các xe, bồn chứa nhỏ, đưa vào khu vực vùng sâu, vùng xa và phục vụ nước sạch tại chỗ cho gia đình có người già, trẻ em.

Từ đầu tháng 4 đến nay, Câu lạc bộ Truyền thông - MC nhí và Hội tình nguyện Gió yêu thương đã cùng nhau thực hiện nhiều chuyến xe tặng nước ngọt cho bà con hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Ngoài phần kinh phí tự thân, hai đơn vị này cũng nhận sự đồng hành của cộng đồng. Anh Phạm Văn Tiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ kể, có nhiều em nhỏ là thành viên câu lạc bộ tự nguyện đập heo đất góp tiền tặng nước, chỉ mong bà con miền Tây bớt vất vả trong giai đoạn này. Rồi người lạ, người quen trên mạng xã hội chủ động tìm đến góp sức, góp tiền để thêm nhiều xe nước kịp đến với nơi cần.

Anh Tiệp nói, trước mắt, hai đơn vị sẽ nỗ lực duy trì hoạt động này đến hết tháng 4. Sau đó, tùy theo tình hình thực tế mà tiếp tục vận động hay không. Trước khi đưa nước đến với bà con các tỉnh, anh Tiệp cùng cộng sự khảo sát nhu cầu thực tế của địa phương rồi nhờ trưởng ấp thông báo bà con chuẩn bị dụng cụ lấy nước. “Khi xe xuống tiếp nước, bà con xếp hàng rất trật tự, san sẻ từng thùng nước, không ai lấy nhiều. Nhà nào có nhiều vật chứa thì đỡ đần hàng xóm. Bà con chủ yếu lấy đủ nước dùng cho khoảng một tuần và tìm cách hỗ trợ nhau, dành sự quan tâm đến các gia đình đặc biệt khó khăn”, anh Tiệp chia sẻ.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày này, thêm nhiều xe nước ngọt “0 đồng” đã kịp về với bà con vùng hạn mặn. Mang nước đến nơi cần, điều họ nhận về là lời cảm ơn, những cái ôm, bắt tay thật chặt và nhiều câu chuyện cảm động về tình người, sự sẻ chia.

“Nước được lấy thoải mái, không giới hạn nhưng bà con luôn nhận đủ phần vì muốn chừa lại cho người tới sau. Thấy nước về, ai cũng mừng, gọi nhau đến nhận. Nhà nào neo người hoặc ở xa quá sẽ được giúp đỡ. Bà con quý từng giọt nước, sử dụng rất tiết kiệm”, chị Chi cho biết.