Trạm của những người trẻ hành động

Tình cờ vào mùa hè năm 2020, khi tham gia một cuộc thi thanh niên hành động vì khí hậu, một nhóm bạn trẻ đã có dịp gặp nhau tại Đà Nẵng và tìm thấy điểm chung là bảo vệ môi trường. Sau đó, Trạm Eco được khởi xướng với mục tiêu xây dựng một không gian dành cho những người yêu môi trường để cùng nhau kết nối, lan tỏa lối sống xanh, nâng cao nhận thức về rác thải để giảm lượng rác thải cho TP Đà Nẵng.

Các bạn trẻ cùng tham gia nhặt rác trong chương trình Làm sạch Sơn Trà.
Các bạn trẻ cùng tham gia nhặt rác trong chương trình Làm sạch Sơn Trà.

Làm talkshow mùa dịch

Những ngày đầu thành lập, Trạm là sự “lôi kéo” các thành viên về đội. Đó là những anh, chị đã từng làm tình nguyện viên cho các chương trình bảo vệ động vật hoang dã, chương trình đa dạng sinh học và những bạn sinh viên có đam mê về bảo vệ môi trường với 12 thành viên cố định.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều kế hoạch của nhóm, vì vậy, thay vì thực hiện những sự kiện thực tế, Trạm đã nghĩ ngay tới việc làm những buổi nói chuyện trực tuyến (talkshow) mỗi tuần để tuyên truyền thông điệp đến với nhiều người hơn.

Từ khi lên ý tưởng, các thành viên đã mất gần bốn tháng để hoàn thành kịch bản cho chương trình có tên Eco talks. Số đầu tiên, Trạm kêu gọi những người trẻ có những câu chuyện đang trải nghiệm, thất bại hoặc thành công về môi trường, về thực vật và động vật hoang dã thu âm nói chuyện. Rồi dần dần, nhờ những kết nối, mời gọi, đã có những diễn giả đến từ nhiều địa phương sẵn sàng tham gia chuỗi Eco talks để chia sẻ trực tuyến cho mọi người.

Đến nay, Eco talks đã đi được 11 số với nhiều chủ đề như ảnh hưởng của rác thải đối với động vật hoang dã; sống xanh thời Covid-19; những câu chuyện về vườn cộng đồng; hành trình sinh thái; những sinh vật đô thị; ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong đô thị… Từ số người đăng ký chương trình ban đầu chỉ có ít, đến nay mỗi số đã có từ 20-35 bạn trẻ tham gia trực tuyến tại nền tảng Zoom và phát lại cho khoảng từ 120-200 người theo dõi trên mạng xã hội Facebook.

Nguyễn Thị Hồng Nhung, tham gia Trạm từ những ngày đầu thành lập. Nhung học ngành Thương mại điện tử (Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng), mặc dù không liên quan tới môi trường nhưng đã đồng ý gia nhập nhóm khi được “rủ rê”. Tại đây, Nhung cùng các bạn phối hợp tổ chức các hoạt động và từ đó cũng dần hình thành những thói quen xanh trong cuộc sống của cô. Nhung tâm sự: “Nhiều lần đi chơi thấy người dân vứt rác bừa bãi nên em hay “ngứa tay” nhặt bỏ vào thùng. Lúc đi thực tập em cũng được tham gia về dự án kinh tế tuần hoàn, sau này là những dự án về tái chế khác nên em cảm thấy bản thân mình cũng có duyên với môi trường, vì vậy, muốn lan tỏa hơn tinh thần này đến với nhiều người trẻ như mình”.

Cùng hành động

Sau khi TP Đà Nẵng đã chuyển cấp độ dịch theo kiểu “thích ứng an toàn”, chương trình “Clean up Sơn Trà” (Làm sạch Sơn Trà) cũng chính thức diễn ra. Với sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, sáng sớm ngày cuối tuần, 50 bạn trẻ đã chia làm 5 nhóm nhỏ cùng dọn rác kéo dài từ bãi biển Thọ Quang đến núi Sơn Trà. Chỉ sau vài giờ, cung đường dài 24 km lập tức được dọn dẹp sạch sẽ và 500 kg rác thải đã được thu về. 

Hà Thị Như Nguyệt (31 tuổi) là cô giáo mầm non, sau nhiều tháng liên tục nghỉ việc vì dịch, Nguyệt đã đăng ký tham gia dọn rác tại Sơn Trà cùng mọi người. “Việc trải nghiệm thực tế cũng giúp mình bổ sung thêm kiến thức về môi trường, về rác thải để làm phong phú hơn bài giảng với các con”, Như Nguyệt chia sẻ.

Hoạt động đang được các bạn mong muốn tái khởi động nhất là “Hành trình xanh” đã từng thực hiện với 33 người tham gia. Mỗi người sẽ được tìm hiểu trước thông tin về đa dạng sinh học ở núi Sơn Trà tại Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên, sau đó ghé bảo tàng Đồng Đình thực hiện những hoạt động, trò chơi theo nhóm, ăn trưa tại chỗ bằng những món tự mỗi người mang tới và buổi chiều tham gia dọn rác ở Sơn Trà.

Bên cạnh các buổi nói chuyện, Trạm cũng thực hiện workshop tái chế, hướng dẫn cho các bạn trẻ, hộ gia đình tham gia phân loại rác thải, hướng dẫn ủ phân, trồng cây tại chỗ... Từ đó, giúp bản thân mỗi người thay đổi dần những thói quen sinh hoạt, hướng tới những hành động xanh trong cuộc sống. 

Nguyễn Thị Hồng Phúc, Sáng lập Trạm Eco cho hay: “Mọi chương trình để thành công luôn cần có cả cộng đồng chung tay. Vì vậy, Trạm hy vọng mỗi người dân, mỗi tình nguyện viên khi tham gia các chương trình sẽ trở thành một “đại sứ môi trường”, góp phần bảo vệ và làm trong lành cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau”.