Sử dụng nước bền vững trong trường học

Dự án “Sử dụng nước bền vững” đã kết thúc chặng đầu tiên tại Trường tiểu học Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) với những kết quả bước đầu đáng mong đợi. Bên cạnh cam kết của nhà trường trong việc tiếp tục duy trì dự án, thì việc được nhân rộng mô hình ra các trường học khác trên địa bàn huyện cũng như của thành phố sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn nguồn nước, giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe.

Cô và trò Trường tiểu học Hòa Phú rửa tay bằng xà-phòng từ trái bồ hòn.
Cô và trò Trường tiểu học Hòa Phú rửa tay bằng xà-phòng từ trái bồ hòn.

1/ Nhận thấy việc có thể sử dụng trái bồ hòn để làm sản phẩm rửa tay thân thiện với môi trường, cô Nguyễn Thị Thúy Nga (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB) đã tự mày mò tập làm để sử dụng trong gia đình. Trong một lần đọc được Chương trình Sáng kiến nước và sức khỏe của Viện Dân số, sức khỏe và phát triển (PHAD) đang tìm kiếm các sáng kiến đề xuất nhằm giúp giải quyết các vấn đề về nước liên quan đến sức khỏe, cô Nga đã mang trái bồ hòn của mình để tham gia. 

Trường tiểu học Hòa Phú là điểm trường xa nhất của thành phố với gần 500 học sinh người Kinh và người Cơ Tu. Bên cạnh đó, trường chưa có đủ hệ thống lọc nước uống trực tiếp, học sinh ở lại học bán trú khá đông, nhiều lúc không đủ nước cho các em sử dụng. Hằng năm, nhà trường phải trích một số tiền để mua xà-phòng rửa tay cho các em và lượng nước đó hoàn toàn thải ra ngoài mà không thể tận dụng. Vì vậy, khi cô Nga đề xuất cùng trường thực hiện Dự án của mình nhằm giúp tiết kiệm nước, tăng cường thực hành bảo vệ môi trường trong trường học, nhà trường đã đồng ý tham gia. 

Ngay sau đó, Trung tâm CAB đã phối hợp với trường cùng lập kế hoạch thực hiện, tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho tất cả giáo viên, hỗ trợ giúp trường lắp đặt máy lọc nước nano uống trực tiếp và lắp đặt hệ thống dự trữ nước mưa. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng được hướng dẫn tự làm nước rửa tay từ trái bồ hòn và vỏ trái cây để thay thế xà-phòng rửa tay tại trường học. 20 lít nước rửa tay thân thiện với môi trường đã được tạo ra bởi các cán bộ - nhân viên nhà trường.

Song song với đó, tất cả học sinh của ba điểm trường cũng được truyền thông về cách sử dụng nước bền vững trong trường học. Không chỉ lồng ghép trong các bài giảng, tiết sinh hoạt mà các em còn thực hành ngay tại trường và học cách sử dụng nước tiết kiệm. Hệ thống bồn rửa tay của trường cũng được kết nối xả thẳng ra các bồn cây, vườn rau để tưới. 

2/ Dự án được thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022 với nguồn kinh phí hơn 90 triệu đồng. Kết quả ban đầu khá khả quan, 100% số giáo viên và học sinh sử dụng nước rửa tay thân thiện với môi trường; 90% số học sinh vặn vòi nước đủ dùng và khóa nước ngay sau khi sử dụng; 70% số học sinh lấy nước uống đủ với nhu cầu và không để lại nước thừa trong ly…

Cô Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú cho biết: “Dự án đã góp phần giúp nhà trường có đủ nguồn nước sạch cho các em, bên cạnh đó là sự thay đổi hành vi rõ rệt về việc tiết kiệm nước và sản phẩm thân thiện môi trường. Không chỉ vậy, trong thời gian tham gia, các giáo viên cũng đã được bổ sung thêm về các kỹ năng truyền thông, đổi mới cách lồng ghép dạy học cùng với thực tiễn giúp các em dễ hiểu, dễ tiếp cận. Trường sẽ tiếp tục duy trì mô hình này trong thời gian tới”.

Tại chương trình tổng kết, các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng thể hiện sự quan tâm tới sáng kiến sử dụng nước bền vững. Anh Lê Văn Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho hay: “Dự án phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là với đối tượng học sinh, từ các em lan tỏa tới gia đình, phụ huynh và cộng đồng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhân rộng tới các trường khác với điều kiện phù hợp nhất nhưng trước mắt, sẽ ưu tiên cho trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện”.

Hiện nay, CAB cũng đang thực hiện dự án Trường học không rác tại Trường tiểu học Hòa Phú và một số trường trên địa bàn thành phố. “Nếu các trường có nhu cầu nhân rộng dự án, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thực hiện. Bên cạnh đó, CAB cũng duy trì những mô hình liên quan đến lĩnh vực môi trường tại các trường học, bởi các em là những hạt nhân quan trọng góp phần thay đổi hành vi và nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường”, cô Thúy Nga chia sẻ.