Người trẻ đừng ngại học

Theo ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia “Ngày hội việc làm SIU” do Trường đại học Quốc tế Sài Gòn tổ chức thì chuyên môn, ngoại ngữ thôi chưa đủ, ứng viên trẻ cần tích lũy các kỹ năng cần thiết cho môi trường công sở ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường.

Sinh viên nghe tư vấn về nghề nghiệp và cách để nâng cao kỹ năng sống.
Sinh viên nghe tư vấn về nghề nghiệp và cách để nâng cao kỹ năng sống.

Để tự tin ứng tuyển

“Hôm bữa chị thấy bạn ứng viên kia rất hay và giỏi nhưng lại mang vớ tất vàng. Theo các bạn, việc mang tất vàng của bạn trai kia là tạo ấn tượng tốt hay chưa được?”. Khi chị Huỳnh Vân Thanh, Trưởng ban Phát triển thị trường, Khối doanh nghiệp, Viện Kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales đưa ra câu hỏi trên tại tọa đàm “Kỹ năng làm việc và Hành trình sự nghiệp trong tập đoàn đa quốc gia”, nhiều sinh viên tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhiều bạn trẻ nói, cách ăn mặc của nam ứng viên mang tất vàng là độc đáo vì khác biệt. Chờ sinh viên phát biểu xong, chị Thanh dặn dò: “Không phải mình cứ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng là tốt. Các bạn phải gây ấn tượng dựa trên những quy tắc chứ không phải khác người. Chúng ta có 7 giây để gây ấn tượng đầu tiên với người phỏng vấn, do đó, cần tận dụng khoảng thời gian này tạo dấu ấn tốt đẹp bằng sự chuyên nghiệp”.

Cách ăn mặc, kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc tại văn phòng và tham gia các buổi họp là bốn nội dung được chị Thanh chọn chia sẻ với rất nhiều sinh viên có mặt tại khán phòng. Theo chị Thanh, bằng cấp, năng lực rất quan trọng nhưng yếu tố đó chưa đủ để giúp một sinh viên vừa ra trường lọt vào tầm mắt nhà tuyển dụng tại các công ty lớn, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia, nơi cần rất nhiều tiêu chuẩn. Muốn ghi điểm ngay từ cuộc trao đổi đầu tiên, sinh viên cần vững về kỹ năng mềm và tạo cho mình hình ảnh thân thiện, tự tin. Hai điều này cần được hình thành từ năm thứ hai đại học và ngày càng nâng cấp. Và ấn tượng đầu tiên phải được xây dựng bằng cử chỉ, hành vi, giọng nói, tác phong đúng mực nhưng vẫn thể hiện sự chuyên nghiệp. 

Quy tắc giao tiếp, quy tắc viết thư điện tử, quy tắc ứng xử nơi văn phòng… là nhiều điều mà mỗi sinh viên cần tích lũy từ người đi trước, từ sách vở mỗi ngày. “Khi được nhận vào làm, điều chúng ta cần làm là tôn trọng quy tắc nơi làm việc. Không ai cấm chúng ta thể hiện cá tính nhưng đừng vượt ra ngoài quy chuẩn”, chị Thanh chia sẻ thêm.

Nhiều cơ hội cho người trẻ

Dạo một vòng tìm hiểu thông tin tại gần 30 gian hàng của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đang tham gia ngày hội trong khuôn viên trường, Nguyễn Thị Thúy Kiều thấy quá nhiều thứ mới mẻ. Chưa tới giai đoạn để tìm việc như các anh chị năm cuối nhưng Kiều vẫn ghé nhiều bàn tư vấn vì muốn tích lũy thêm kiến thức chuyên môn và rèn kỹ năng giao tiếp. Tại đây, em biết thêm nhiều thông tin bổ ích cho ngành học Quản trị kinh doanh cũng như nhu cầu thực tế của thị trường lao động. “Sau khi nghe tư vấn em nhận ra mình học ngành này nhưng có thể thích hợp với nhiều công việc khác nhau chứ không phải cứ chăm chăm vào một vị trí. Các cuộc trao đổi ngắn đã giúp em nhận ra nhiều hướng phát triển cho giai đoạn tới và sẽ đầu tư đúng trọng tâm cho việc học hơn”, Kiều cho hay.

Làm sao để ra trường là có việc làm ngay? Làm sao để chứng minh được năng lực với nhà tuyển dụng ngay trong đợt phỏng vấn hay làm sao tự tin đàm phán lương theo nguyện vọng là ba trong rất nhiều thắc mắc được sinh viên đưa ra. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn ghi điểm ngay lần gặp gỡ đầu tiên, bạn trẻ cần vạch lộ trình trang bị kiến thức, kỹ năng, tác phong ngay từ khi bước chân vào đại học. Về câu chuyện tiền lương cho người mới đi làm, bà Bùi Mai Hạnh, Trưởng phòng Nhân sự Công ty cổ phần Halana cho rằng, chỉ cần ứng viên thể hiện tốt doanh nghiệp sẽ cân đối mức chi trả xứng đáng. Thế nhưng, nếu chỉ chú ý vào tiền lương, người trẻ sẽ mất nhiều cơ hội hoàn thiện bản thân, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý, điều họ còn thiếu khi mới tham gia thị trường lao động.

Theo các chuyên gia, nếu không ngại khó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể thử sức tại các công ty khởi nghiệp. Tại đây, người trẻ được trao quyền cùng xây dựng văn hóa công ty, cùng vạch ra lộ trình phát triển và thấy rõ những bước tiến của bản thân trong một thời gian ngắn. Nếu tập trung đầu tư và chịu khó học hỏi thì chỉ sau ba năm làm việc, một nhân viên trẻ có thể tự tin đàm phán lương với nhà tuyển dụng.