Lời hiệu triệu từ trái tim

Những ngày hè trời nắng như đổ lửa, ở tâm dịch Bắc Giang, rất nhiều bạn trẻ đã cùng thu hoạch, đóng gói và bốc vác hàng chục tấn nông sản. Tại nhiều tỉnh, thành phố, mọi người cùng chung tay kêu gọi cộng đồng hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con. Một bạn trẻ tham gia chương trình cho biết, điều này giống như lời hiệu triệu từ trái tim, khi tất cả đều hướng về nơi đang chịu nhiều thiệt hại nhất.

“Đội bốc vác 0 đồng” hỗ trợ tiêu thụ vải Bắc Giang tại Hà Nội.
“Đội bốc vác 0 đồng” hỗ trợ tiêu thụ vải Bắc Giang tại Hà Nội.

Xung kích trên mọi mặt trận

Khi dưa hấu, dưa lê của bà con vào đợt thu hoạch cũng là lúc huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Những đoàn viên của xã Đức Giang đã chia thành rất nhiều tổ, đội xung kích, như tổ đi chợ để mua hàng, tổ cung ứng hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ khó khăn và tổ tiêu thụ nông sản.

Anh Phan Đức Bình, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đức Giang chia sẻ, trong kế hoạch triển khai công việc phòng, chống dịch Covid-19 luôn có một phần việc của thanh niên là hỗ trợ thu hoạch lúa và nông sản cho nông dân, nhưng anh không nghĩ phải hành động nhanh và cấp bách đến thế. Khi dịch bệnh bùng phát ở Yên Dũng, mọi hành động được thực hiện gấp rút, khẩn trương và quyết liệt hơn thì việc đồng áng của bà con trở thành công việc của chính các bạn trẻ. 

Với tổ tiêu thụ nông sản, ngày đầu tiên, các bạn chia thành từng nhóm bán lẻ trong xã. Từ ngày thứ hai nhận được đơn hàng lớn chuyển đi các tỉnh, cả đội bắt đầu vào chiến dịch với yêu cầu cần tới 200% sức lực. Công việc của các bạn có thể bắt đầu từ sáng sớm đến tận 10, 11 giờ đêm mới xong. Kỷ lục nhất là trong ba ngày từ 27 tới 29-5, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã đã “giải phóng” hơn 20 tấn dưa hấu, dưa lê để mọi người ở nhà yên tâm chống dịch. 

Chị Nguyễn Thị Hương (Bí thư Huyện đoàn Yên Dũng) cho biết, đoàn xã Đức Giang là một trong những đơn vị Đoàn cơ sở đã tạo dựng đội ngũ thanh niên tích cực, đóng góp công sức cùng với cấp ủy chính quyền tìm đầu ra cho nông sản. Chưa kể, với tình trạng nhiễu loạn thông tin hiện nay, lực lượng xung kích còn phải tham gia tuyên truyền, chống tin giả. Những trường hợp mượn danh tiếng của Đoàn Thanh niên xã thu gom nông sản với giá thấp, gây hoang mang trong cộng đồng cũng được các bạn trẻ mạnh dạn đấu tranh, minh bạch hóa thông tin để nhân dân yên lòng.

Miệt mài lao động quên giờ giấc, quên nắng nóng mệt nhọc, anh Bình bày tỏ: “Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được khó khăn khi ở trong vùng dịch. Mồ hôi của chúng tôi chẳng thấm gì so cái nhọc nhằn của bà con suốt cả một vụ mùa, với nhiều gia đình thì đó là tích cóp trông đợi suốt một năm. Đó là trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương, với những gia đình hàng xóm láng giềng”.

Làm “hậu phương” cho vùng tâm dịch

Nếu như tại Bắc Giang, rất nhiều đơn vị cùng chung tay với chính quyền và bà con để thu hoạch nông sản thì tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều người đã kêu gọi cộng đồng tiêu thụ các sản phẩm tại địa phương có dịch. Đoàn thanh niên các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam đã đặt hàng để phối hợp tiêu thụ nông sản Bắc Giang tại địa phương mình. Còn với nhiều người, chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đóng góp sức người sức của cho vùng tâm dịch trở thành một hành động hoàn toàn xuất phát từ tâm.

Từ khi Bắc Giang trở thành vùng dịch, anh Nguyễn Quang Đức (Giám đốc Công ty Du học Đức Albert Einstein) và anh Trịnh Thắng (Giám đốc Công ty Kiến trúc ADF), hai người con của huyện Tân Yên, đã trở thành cầu nối cho những “Chuyến xe 0 đồng” chở đồ nhu yếu phẩm, thực phẩm, y tế… của các nhà hảo tâm gửi về Bắc Giang.

Anh Đức cho biết, khi huyện Tân Yên áp dụng quy định giãn cách xã hội, nhóm quyết định kết hợp buổi sáng chở vải thiều, dưa hấu xuống Hà Nội tiêu thụ rồi sẽ mang đồ cứu trợ về Bắc Giang. Chương trình hỗ trợ hoàn toàn miễn phí với sự đóng góp phương tiện, công sức của cộng đồng. Nhiều bạn trẻ là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã trở thành tình nguyện viên của chương trình, lập hẳn một đội nhóm có tên gọi dễ thương là “Đội bốc vác 0 đồng”. Mỗi ngày, các bạn đều đăng ký tham gia bốc dỡ nông sản, cùng bán hàng kêu gọi ủng hộ bất chấp cái nắng gay gắt của mùa hè. 

Nếu như việc chống đại dịch Covid-19 được ví như “chống giặc” thì mọi miền Tổ quốc giờ đang trở thành “hậu phương” vững chắc. Mỗi người, bằng hành động và trái tim đang hướng về vùng tâm dịch bởi họ đều xác định “cuộc chiến” này chẳng của riêng ai.