Một xứ Đoài mây trắng

Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, tên khai sinh là Bùi Đình Dậu. Sau đổi giấy khai sinh cho người anh họ là Bùi Đình Diệm, từ đó Diệm trở thành tên chính thức. Quang Dũng là tên con trai cả, cũng là bút danh. Quê ông là làng Phượng Trì, nay là thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. 

“Núi Tản”, mầu nước của Quang Dũng (1970).
“Núi Tản”, mầu nước của Quang Dũng (1970).

1/Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là những người nông dân mặc áo lính mà còn có những người thành phố, những trí thức có bằng tú tài tây hoặc cao đẳng, đại học… Tất cả làm nên phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ: Vì nước quên thân trong ý chí; ruột thịt yêu thương trong tình cảm; chất phác, mộc mạc nông dân nhưng cũng hào hoa trí thức trong phong cách. Hai phong cách đó đến từ hai hướng khác nhau do xuất thân trong chống Pháp sẽ được hòa quyện nhuần nhụy hơn trong mỗi tâm hồn người lính thời chống Mỹ.

Bài thơ “Tây tiến” được in lần đầu trên tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam số 11 - 12, tháng 4, tháng 5/1949 với tên bài là “Nhớ Tây Tiến”. Sau, tác giả thấy rằng, chỉ nhắc đến Tây tiến là nhớ nao lòng, nhớ “nẫu ruột” rồi, không cần chữ “Nhớ” nữa…

2/“Tây tiến” không chỉ khắc họa thành công hình tượng người lính Tây tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mỹ lệ. Quang Dũng thể hiện một cách chân thực và lay động về  nỗi nhớ về tất cả những gì nhà thơ đã nếm trải, đã đau khổ hoặc hào hứng. Nỗi nhớ không cần mạch lạc, tập trung. Nó chỉ là tất cả những gì không quên được. Các câu thơ đến từ mọi hướng. Đang nói về dốc núi, cồn mây, cọp Mường Hịch, cái chết gục lên súng mũ, bỗng lại Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Rồi bỗng nữa lại đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm! Thực tế những câu không viết trực tiếp cho chiến tranh, cho người lính lại sống lâu hơn, lại tự dựng cho mình một tượng đài riêng như Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Người ta biết đến Mai Châu nhiều hơn và mãi mãi biết đến Mai Châu vì câu thơ này! Con người Quang Dũng trong “Tây tiến” không phải là lát cắt ngang thời đại, một anh bộ đội trong kháng chiến chống Pháp mà còn là tráng sĩ thời phong kiến, còn là cái tráng khí nam nhi thời nào cũng có, thích gian khổ, ngang tàng; thích yêu đương lãng mạn. 

Quang Dũng còn là hồn văn chương dân tộc ở cách viết hiện thực lẫn trong ước lệ, trong những từ ngữ, hình ảnh có tính biểu tượng như đuốc hoa, xiêm áo, dáng kiều, viễn xứ, áo bào. Nhịp điệu thơ cũng vừa Đường thi, vừa tự do. Có lẽ đây là một kinh nghiệm cho những người làm thơ: biết làm mới trên nền cũ, không thể cắt đứt cái cũ. Từng chi tiết trong bài thơ là rất thực, là những gì nhà thơ chứng kiến trong cuộc hành binh Tây tiến; song cái thực ấy được “nhớ” lại; nó lắng qua hồn rất sâu, khi dâng lên đã thành hương. Những gì tạp và nặng, không gợi cảm xúc thẩm mỹ đã rơi rụng. Như nhìn dòng nước lũ không thấy rều rác mà chỉ thấy hoa đung đưa. Như đêm lửa trại, không thấy cái cụ thể, mà chỉ thấy hình ảnh của ước mơ, của những mỹ nhân, của một man nương (kìa em xiêm áo). Rồi cây lau cũng hóa hồn; sông Mã cũng như người khi êm đềm lặng chảy, khi gầm lên trong khúc độc hành. Chỉ một câu Sông Mã gầm lên khúc độc hành, vừa thấy cái khí mạnh, cái thống nhất của đoàn quân Tây tiến; vừa thấy cái xa khác với đời ở nhiều phương diện… 

3/Xin nói về câu Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhà thơ Quang Dũng do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 11/11/2011 tại 19 Hàng Buồm, chúng tôi mời nhà thơ Vân Long, người bạn thân trong nhóm văn sĩ Xứ Đoài gồm Phan Kế An, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Lữ Giang, Vân Long, Quang Dũng… phát biểu. Ông kể, xưa Nguyễn Ngọc Chương (Chiêu Dương) và Bùi Đình Diệm (Quang Dũng) chơi rất thân. Bước vào kỳ thi “đíp-lôm” (lấy bằng thành chung) ở Hà Nội, Chương rủ bạn đến chơi nhà mấy chị em cô Kiều nổi tiếng xinh đẹp, con một ông chủ thầu khoán, ở số 68 Hàng Bông. Mấy chị em này có tên bắt đầu bằng “Kiều”: Kiều Vinh, Kiều Dinh, Kiều Hinh và Kiều Hương. Chàng Chương đã phải lòng Kiều Dinh, định giới thiệu cho bạn một trong ba cô còn lại. Ông bố thấy hai chàng trông đẹp mã, nhưng giao hẹn phải thi đỗ, “phi đíp-lôm bất thành phu phụ”; không ngờ cả hai chàng sau đó đều trượt vỏ chuối! 

Câu thơ này có thời bị phê phán là tiểu tư sản. Người lính đi chiến đấu mà lại đêm đêm mơ về Hà Nội, mơ về những cô gái thì còn tinh thần đâu mà chiến đấu; với cái anh chiến sĩ như thế cần theo dõi, không khéo có ngày trở cờ, quay súng! Cái sự cẩn thận, cái lý lẽ của một số người trong một thời là thế. Định kiến ấy khiến Quang Dũng suốt mấy chục năm, từ 1960 - 1984, hầu như không làm thơ, không nhắc đến thơ mình trước người lạ. Theo tôi, câu Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm là một câu thơ hay, nói lên sự phong phú, tình cảm đẹp đẽ của người chiến sĩ.

Mỗi lần bước ra khỏi ô Cầu Giấy, tôi lại ngước mắt nhìn trời tìm những đám mây trắng nghìn năm. Mỗi lần gặp người con gái Sơn Tây, tôi lại thầm soi vào ánh mắt để dò biết cái độ luyến láy, thăm thẳm của tình yêu. Và nhớ những nhà thơ xứ Đoài, nhớ Sóng gợn sông Đà con cá nhảy/Mây trùm non Tản cái diều bay. Chiều xanh vẫn thấy bóng Ba Vì nhưng những Tản Đà, Quang Dũng, Ngô Quân Miện đã biệt vào miền hư ảnh… Hay các ông vẫn đó, vòi vọi Ba Vì?