Một người văn rất đỗi hiền hậu

Lần đầu tiên, tôi biết đến tên tuổi của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021) là khi cô bạn đại học vào thư viện trường và say sưa không dứt với cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly”. Sau khi ra trường, được vào làm việc ở Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ, tôi có may mắn được trò chuyện, học hỏi ông ­­­- một nhà văn lớn về nhân cách và tài năng.

Nụ cười hóm hỉnh và hiền từ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
Nụ cười hóm hỉnh và hiền từ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

1/Sự quý mến chân thành của tất cả cán bộ NXB dành cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không hẳn vì ông là tác giả của bộ ba tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” đã tái bản liên tục nhiều năm liền, mà chính sự hiền từ, nhân hậu của ông đã giúp ai tiếp xúc cũng cảm thấy thật ấm áp, thân thương.

Ngôi nhà của ông ở con ngõ nhỏ cuối đường Trần Khát Chân. Cứ vài tuần một lần, ông lại bắt xe bus lên Hàng Chuối chơi với các em, các cháu NXB. Ông lên đây như về nhà, vì nơi ấy có các em, các cháu mà ông coi như người thân. Khi ông vừa đặt chân đến bậc thềm có cây dâu là những tiếng “em chào anh”, “cháu chào bác ạ” đã đồng loạt vang lên. Là cộng tác viên “ruột” của cả hai phòng Văn học Việt Nam và Phòng Văn học nước ngoài, nên đến là ông vào từng phòng để các cháu khỏi “tị” nhau. Ngay khi đến cửa phòng là ông nở nụ cười hiền hậu, giơ cánh tay lên cùng câu “Xin chàoooo!!!” rất đáng yêu. 

Ông gần gũi, giản dị trong từng cử chỉ và cách xưng hô, luôn xưng “tớ” và gọi người đối diện là “cậu”. Cứ “tớ” và “các cậu”, ông dẫn dắt câu chuyện từ đông tây kim cổ, đưa ra những nhận xét rất đắt giá, mở mang thêm biết bao hiểu biết cho các biên tập viên. Sự uyên bác ẩn trong nét tươi vui, hóm hỉnh của ông khiến các em, các cháu say sưa trò chuyện không dứt. Với họa sĩ Ngô Xuân Khôi, người thiết kế bìa thân thiết của ông, ông luôn dành tình cảm ưu ái đặc biệt. Chẳng thế mà khi họa sĩ cao hứng xin ký họa chân dung, ông đồng ý luôn và ngồi trầm tư rất hợp tác. Vào khoảnh khắc đó, ông như đang ngồi trước những trang bản thảo, đầy suy tư và trăn trở. Mỗi lần lĩnh nhuận bút là ông lại lấy cớ để mời mọi người đi cà-phê, đi ăn trưa, nhiệt tình chụp ảnh, tạo dáng trẻ trung theo yêu cầu của các cháu. Cứ như thế, tình cảm gắn bó giữa ông và các thế hệ cán bộ của NXB ngày một thêm gắn kết.  

Trong các câu chuyện về đời và nghề, bao giờ nhà văn cũng chủ động hỏi về sách mới xuất bản cả trong nước lẫn nước ngoài. Ông đón nhận những ấn phẩm mới với đầy sự thích thú và chắc chắn đó sẽ là đề tài mà ông sẽ bàn luận trong lần ghé thăm kế tiếp. Đôi khi các cháu đang bận việc, ông thong thả đứng dậy ngắm nghía tủ sách đầy thích thú. Nổi danh là nhà tiểu thuyết lịch sử hàng đầu Việt Nam, nhưng ông rất mê đọc truyện trinh thám. Năm 2015, NXB Phụ nữ tổ chức đi nghỉ mát ở Đà Nẵng và mời ông tham gia cùng. Ông hào hứng nhận lời. Lúc ấy, nhà văn đã ngoài 80, vậy mà trong suốt chuyến đi, ông hoàn toàn khỏe mạnh, tham gia các trò chơi cảm giác mạnh mà nhiều thanh niên còn không dám thử. Ẩn sau vẻ ngoài mảnh khảnh là tâm hồn, cá tính mạnh mẽ, phóng khoáng nhường nào.

2/Không gian sinh hoạt của hai vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở trên tầng hai của một căn nhà nhỏ trong ngõ. Trong phòng khách treo bằng khen và những bức tranh chân dung do độc giả mến mộ ông khắp nơi vẽ tặng. Căn phòng tuy bé nhưng đầy ắp sách. Vợ nhà văn kể rằng ông đọc suốt ngày. Thật vậy, ông rất chịu khó đọc, mà không hề ngại ngần khi đọc tác phẩm của các bạn viết lớp hậu sinh và thường xuyên góp mặt trong các sự kiện giới thiệu sách của tác giả trẻ để chia sẻ, động viên, khích lệ. Ông cũng tích cực đến các hội sách để mua sách như bao độc giả yêu văn chương khác. 

Khi được hỏi trong số các tiểu thuyết của mình, cuốn nào khiến ông tâm đắc nhất, nhà văn trả lời đó là “Miền hoang tưởng”. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông và có một số phận đặc biệt. Đến năm 2015, cuốn sách này được NXB Hội Nhà văn xuất bản lại với cái tên “Hoang tưởng trắng”, ông vui lắm, hớn hở mang sách đến tặng cho từng cán bộ NXB Phụ nữ với dòng đề tặng: “Thân tặng cháu” đầy yêu thương. Họa sĩ Tô Chiêm xin ông đề tặng sách, ông viết nắn nót: “Chúc Tô Chiêm vẽ càng ngày càng đẹp”. Sự tâm lý, nhã nhặn đến từ mọi hành động, cử chỉ của ông. Ít ai biết, bản thảo của bộ ba tiểu thuyết lên tới hàng nghìn trang đều được ông viết tay cẩn thận, sạch sẽ. Trước khi viết, ông đã lên đề cương rất chi tiết, rồi viết liền mạch, viết đến đâu chắc luôn đến đó. Đến giờ, NXB Phụ nữ vẫn lưu giữ bản thảo gốc của ông như một báu vật.

Năm 2018, bộ ba tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh được in lại trong hình thức mới nhưng lần này vì sức khỏe đã không còn tốt như trước, ông đã không thể đến NXB để mời cà-phê, chia sẻ niềm vui với các em, các cháu được nữa. Khi cầm những cuốn sách còn thơm mùi mực trên tay, gương mặt ông ánh lên niềm hạnh phúc nhưng không tránh khỏi những ưu tư, buồn bã khi bản thân ngày một yếu đi do tuổi già. 

Hồi còn hay đến chơi, lúc chào về, bao giờ ông cũng nhẹ nhàng đứng dậy, cười hồn hậu như lúc mới đến rồi nói: “Thôi, tớ về nhá”. Mới hôm 12-6 vừa rồi, ông đã vĩnh viễn về thật rồi, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi với các thế hệ độc giả.