Nỗ lực “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng di cư

Giới chức châu Âu đang nỗ lực “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng người di cư vốn đang bùng phát và lan rộng. Dù còn nhiều khác biệt trong cách thức xử lý, song những cố gắng của các nước có liên quan dấy lên hy vọng vấn đề nhạy cảm này sớm được giải quyết.

Người di cư bị chặn lại tại biên giới Belarus và các nước láng giềng. Ảnh: THE MOSCOW TIMES
Người di cư bị chặn lại tại biên giới Belarus và các nước láng giềng. Ảnh: THE MOSCOW TIMES

Giải bài toán người di cư bất hợp pháp

Cuộc khủng hoảng người di cư hiện là vấn đề đau đầu, gai góc và nhạy cảm ở Đông và Tây Âu, thậm chí còn liên quan nhiều nước và cả khu vực. Điển hình là cuộc khủng hoảng người di cư ở Belarus với các nước láng giềng, cũng như giữa Anh và Pháp. Sau những căng thẳng và cáo buộc lẫn nhau, các nước láng giềng của Belarus có những động thái quyết liệt như xây tường rào dây thép gai và điều động quân đội đến khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn dòng người di cư vượt biên giới Belarus nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ các nước bên cạnh. Cộng đồng quốc tế cũng bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến vụ lật thuyền chở người di cư từ Pháp sang Anh qua eo biển Manche hôm 24/11, làm 27 người chết, trong đó có cả trẻ em.

Trong bối cảnh đó, các nước có liên quan gần đây có những động thái tích cực nhằm làm giảm căng thẳng về cuộc khủng hoảng người di cư. Liên minh châu Âu (EU) đề xuất cho phép ba nước thành viên là láng giềng của Belarus, gồm Ba Lan, Litva và Latvia đơn giản hóa thủ tục trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản và nghĩa vụ quốc tế, trong đó có nguyên tắc không hồi hương người tị nạn.

Theo đó, ba nước có thể giải quyết các yêu cầu tị nạn ngay tại biên giới. Những đơn xin tị nạn có lý do chính đáng và liên quan gia đình, trẻ em sẽ được ưu tiên, đồng thời kéo dài thời hạn nộp hồ sơ xin tị nạn lên bốn tuần thay vì từ 3 đến 10 ngày hiện nay. Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất năm giải pháp mà hai nước có thể thực hiện để ngăn chặn làn sóng người di cư thực hiện các cuộc vượt biển đầy nguy hiểm.

Cảnh sát Pháp vừa dỡ bỏ một khu trại bên bờ eo biển Manche, nơi trú ngụ của hàng nghìn người di cư với hy vọng chạy trốn chiến tranh, đói nghèo và bị ngược đãi ở Trung Đông với hy vọng đến được “thiên đường” Anh. Paris hối thúc EU và Anh đạt một thỏa thuận mới hậu Brexit nhằm giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp sau thảm kịch ở eo biển Manche. Từ đầu năm đến nay, hơn 26.000 người di cư đã cố vượt qua eo biển Manche từ Pháp sang Anh. Để đối phó tình trạng này, EU triển khai một máy bay hoạt động 24/24 giờ ở eo biển Manche để ngăn chặn hoạt động buôn bán người di cư.

Đông Âu cũng đau đầu 

Không chỉ Tây Âu, Đông Âu cũng đang “đau đầu” vì vấn đề người di cư, trong bối cảnh hàng chục nghìn người đang tìm cách vượt biên giới Belarus trái phép vào EU. Khó khăn trong việc ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt tràn vào lãnh thổ, các nước láng giềng của Belarus đã phải xây dựng hàng rào dây thép gai ngăn cách biên giới, đồng thời triển khai hàng chục nghìn binh sĩ nhằm bảo vệ biên giới. Căng thẳng ở khu vực biên giới cũng khiến quan hệ giữa Belarus với các nước láng giềng trở nên “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Thậm chí, Nga và EU còn phải tìm cách can thiệp để làm dịu bớt căng thẳng về vấn đề người di cư giữa đồng minh thân cận của Moscow và các nước thành viên EU.

Tổng thống Belarus A.Lukashenko thông báo, Minsk đã phải chi 25 triệu USD cho hoạt động hỗ trợ người di cư ở khu vực biên giới nước này. Tuy nhiên, Ba Lan đã lập tức gia hạn tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Belarus để hạn chế người di cư từ khu vực Trung Đông vượt biên giới Belarus để nhập cảnh trái phép vào EU. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố sẵn sàng viện trợ tài chính để hồi hương người di cư bất hợp pháp bị mắc kẹt tại biên giới Ba Lan-Belarus. Trong lúc đó, Tổng thống Belarus đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga để thảo luận giải pháp cho vấn đề người di cư.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực còn xung đột và đói nghèo, người dân buộc phải rời bỏ quê nhà để tìm đến “miền đất hứa”, nơi họ kỳ vọng có được cuộc sống ổn định và sung sướng hơn, thì việc ngăn chặn làn sóng người di cư đến các nước châu Âu giàu có chưa hẳn là biện pháp giải quyết tận gốc rễ của làn sóng người di cư bất hợp pháp.