Nhiều biến thể nguy hiểm

Với trung bình 45 nghìn ca nhiễm mới Covid-19 trong 24 giờ, Indonesia đang trở thành tâm dịch ở châu Á. Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình hình này đang tạo điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta - biến thể phát hiện lần đầu tại Ấn Độ với đặc tính dễ lây lan.

Một điểm tiêm chủng cho người dân ở Thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: AP
Một điểm tiêm chủng cho người dân ở Thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: AP

Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới và tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này bị cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu. 

Hiện trên thế giới có bốn biến thể đáng lo ngại, gồm biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), biến thể Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi), biến thể Delta, biến thể Gamma (phát hiện lần đầu ở Brazil). Tại Indonesia đã phát hiện ba loại biến thể trên (trừ Gamma), trong đó, biến thể Alpha đang lan rộng còn Delta đã trở thành biến thể vượt trội, chiếm phần lớn số ca bệnh.

Biến thể Delta cũng đang hoành hành khắp châu Âu và nhiều quốc gia phải tiếp tục chạy đua với đại dịch Covid-19 bằng cách kết hợp giữa các hạn chế mới nhằm phòng dịch và đẩy nhanh tốc độ, quy mô tiêm chủng. Hiện biến thể Delta đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu, với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu dự báo đến cuối tháng 8, tỷ lệ này sẽ lên tới 90%. Đáng chú ý hơn, biến thể Delta lây lan nhanh ở những người dưới 30 tuổi, nhóm dân số có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 thấp nhất ở hầu hết các quốc gia châu Âu.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp cảnh báo có thể sẽ xuất hiện thêm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong những tháng mùa đông năm nay. Quốc gia này đang đương đầu với làn sóng Covid-19 mới với số ca mắc mới tăng cao chưa từng có do sự xuất hiện của biến thể Delta. Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Chính phủ Pháp Jean-Francois Delfraissy kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang. Theo ông Delfraissy, chiến lược của chính phủ nhằm kiềm chế làn sóng dịch bệnh thứ tư sẽ dựa trên kế hoạch triển khai hệ thống “giấy thông hành y tế” tại những địa điểm công cộng.

Các chuyên gia y tế dự báo, phải đến năm 2022 hoặc năm 2023, nhịp sống trên thế giới mới có thể bình thường trở lại. Theo đó, thách thức lớn trong những năm tới là sự phối hợp chính sách cũng giữa các quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 cho người dân và các quốc gia chưa đạt được mục tiêu này.