Không chủ quan với dịch Covid-19

Làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều nước trên thế giới khi số ca mắc mới tăng cao. Việc phần lớn các nước dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch, khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội, đã đặt hồi chuông cảnh báo rằng, thế giới không nên mất cảnh giác với đại dịch. 

Du khách đeo khẩu trang khi tham quan tại Pháp. Ảnh: AFP
Du khách đeo khẩu trang khi tham quan tại Pháp. Ảnh: AFP

Làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại

Cuộc sống bình thường đã quay trở lại nhiều quốc gia, song nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 vẫn hiện hữu do các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Tại châu Á, Campuchia ghi nhận các ca mắc mới sau 51 ngày liên tục không có ca nào, trong khi Singapore cân nhắc phương án siết chặt trở lại các biện pháp giãn cách do số ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gia tăng. Giới chức y tế tại thành phố Canberra của Australia cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới khi số ca mắc tăng trở lại. 

Tại châu Âu, BA.5 của Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây ra khoảng 50% số ca mắc mới Covid-19 ở Đức. BA.5, cùng với “người anh em” BA.4 cũng đang hoành hành tại Anh với số ca mắc mới tăng khoảng 80% trong ba tuần gần nhất. Số ca mắc ở châu Âu đã tăng gấp ba lần trong tháng 6, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng lây nhiễm Covid-19 tại “lục địa già” sẽ ở mức cao trong mùa hè năm nay.

Theo giới chức Pháp, “đất nước hình lục lăng” đang trải qua làn sóng thứ bảy của dịch Covid-19, trong bối cảnh quy định bắt buộc đeo khẩu trang đã được dỡ bỏ tại phần lớn khu vực công cộng, ngoại trừ bệnh viện. Ngày 1/7, Pháp ghi nhận hơn 125.000 ca nhiễm mới, nâng số ca mắc mới trung bình lên 99.316 ca/ngày, mức cao nhất kể từ ngày 19/4. Thời điểm cuối tháng 5, số ca mắc mới trung bình tại Pháp chỉ vào khoảng 18.000 ca/ngày. Trong ba tuần qua, mỗi ngày Pháp có khoảng 40 ca tử vong do Covid-19. Ngày 1/7, Italia ghi nhận hơn 86.000 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 4.  Theo Bộ Y tế Italia,  với đà tăng hiện nay, virus SARS-CoV-2 đang lây lan trở lại tại “đất nước hình chiếc ủng”. Hiện, có tám trong tổng số 21 tỉnh, thành phố của Italy xếp vào diện khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Tiêm phòng vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang tại các địa điểm đông người có không gian kín, nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng. Trên thực tế, các nước đã trải qua làn sóng dịch do các biến thể phụ của Omicron như BA.4 và BA.5 gây ra như Nam Phi và Bồ Đào Nha đến nay đều đã vượt qua đỉnh dịch mà không gặp nhiều sóng gió, nhưng giới chuyên gia khuyến cáo có hai lý do khiến các nước vẫn phải thận trọng. Thứ nhất, hơn hai năm dịch bệnh hoành hành đã khiến hệ thống y tế ở nhiều nước dần cạn kiệt nhân lực, vật lực và cần thời gian để củng cố và hồi phục, trong khi Covid-19 không phải dịch bệnh duy nhất cần đề phòng trong mùa hè. Thứ hai, thế giới đến nay vẫn chưa thể đánh giá hết hậu quả và chi phí y tế đi kèm với hội chứng Covid-19 kéo dài.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng, việc khuyến khích người dân đi tiêm phòng mũi tăng cường, nhất là nhóm nguy cơ cao như người già và trẻ em vẫn là biện pháp quan trọng. Theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Colin Angus từ Đại học Sheffield (Anh), việc triển khai tiêm phòng các mũi cơ bản cho người dân đã tạo ra một bức tường hiệu quả ngăn chặn làn sóng dịch bệnh, ước tính giúp gần 20 triệu người trên toàn thế giới tránh khỏi nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, do miễn dịch giảm dần theo thời gian và các biến thể mới thường có khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn, nên bức tường bảo vệ trên đã không còn kiên cố. 

Trên thực tế, các chính phủ trên thế giới vẫn coi chương trình tiêm phòng là một phần quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi người dân khẩn trương đi tiêm mũi vaccine tăng cường. Singapore cũng kêu gọi những người cao tuổi sớm tiêm mũi tăng cường thứ hai (mũi bốn) sau năm tháng kể từ khi tiêm mũi tăng cường thứ nhất. Các chuyên gia Vương quốc Anh khuyến nghị tiến hành chiến dịch tiêm phòng tăng cường vào mùa thu, tiêm mũi thứ tư cho những người trên 65 tuổi và sớm xem xét việc tiêm mũi bốn cho nhóm ít tuổi hơn.