Kêu gọi giảm căng thẳng ở Ukraine

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine khiến nhiều nước phải rút nhân viên ngoại giao về nước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Nga góp phần hạ nhiệt tình hình Ukraine, nhấn mạnh sự hợp tác và đối thoại với Nga trong khi cũng đưa ra cảnh báo gửi tới Moscow.

Quân đội Ukraine tham gia một cuộc tập trận tại ngoại ô Thủ đô Kiev. Ảnh: GETTY IMAGES
Quân đội Ukraine tham gia một cuộc tập trận tại ngoại ô Thủ đô Kiev. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiều nước rút nhân viên ngoại giao khỏi Kiev

Bộ Ngoại giao Ukraine đã ra tuyên bố về việc Mỹ rút nhân viên sứ quán về nước do lo ngại tình hình an ninh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, Oleg Nikolenko cho rằng phía Mỹ đã hành động quá sớm và quá thận trọng. Kiev khẳng định, tình hình an ninh tại miền đông Ukraine không có thay đổi nào mang tính cực đoan trong thời gian gần đây. Theo ông Oleg Nikolenko, một số kênh truyền thông đang lan truyền các thông tin đồn đoán và sai lệch khiến dư luận trong và ngoài nước hoang mang. Bộ Ngoại giao Ukraine khuyến cáo các bên liên quan cần bình tĩnh và có những đánh giá phù hợp.

Trước đó, Mỹ đã thúc giục người dân tránh đi lại tới Ukraine, đồng thời chỉ thị nhân viên không thiết yếu tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine cùng gia đình rời khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Anh cũng thông báo rút một số nhân viên Đại sứ quán nước này tại Ukraine cùng thân nhân về nước do lo ngại tình hình bất ổn. 

Canada ngày 25/1 xác nhận đã yêu cầu thành viên gia đình các nhân viên ngoại giao đóng tại Ukraine rời khỏi quốc gia này, một ngày sau khi Mỹ, Anh, Đức và Australia công bố các bước đi tương tự. Trước đó, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, Chính phủ Canada đang “theo dõi tình hình Ukraine cực kỳ chặt chẽ” và có nhiều phương án dự phòng được đưa ra. Kể từ ngày 16/1, Canada đã khuyến cáo công dân tránh các chuyến đi không cần thiết đến Ukraine. 

Trong vài tháng qua, phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga đưa quân áp sát biên giới Ukraine để chuẩn bị cho hành động quân sự. Giới chức Moscow cho rằng đây là sự leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa với bất cứ quốc gia nào. Nga cáo buộc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang làm gia tăng căng thẳng tại Ukraine, đồng thời cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine sẽ có hậu quả nghiêm trọng. 

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov chỉ trích việc Mỹ đưa 8.500 quân vào tình trạng trực chiến sẵn sàng triển khai tới châu Âu, trong trường hợp cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang căng thẳng, là động thái “thêm dầu vào lửa”. Nga cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột ở Ukraine là rất cao và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước. Moscow hiện vẫn đợi phản hồi bằng văn bản từ Washington về đề xuất bảo đảm an ninh. Trước đó, các cuộc đàm phán về đề xuất bảo đảm an ninh diễn ra giữa Moscow và Washington không thu được kết quả nào.

Kêu gọi giảm căng thẳng ở Ukraine -0
Ukraine vẫn là nước trung chuyển khí đốt chủ yếu cho châu Âu. Ảnh: AFP 

Thúc đẩy giải pháp ngoại giao

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo chung ở Berlin cùng Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Scholz một lần nữa kêu gọi Nga giúp xoa dịu tình hình hiện nay liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Thủ tướng Scholz cũng hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy, trong đó có sự tham gia của Pháp, Đức, Ukraine và Nga. Liên quan chính sách của Đức đối với Ukraine, Berlin cam kết có trách nhiệm bảo đảm Ukraine vẫn là một nước trung chuyển khí đốt cho châu Âu.

Trong khi đó, Tổng thống Macron cho biết, Pháp và Đức sẽ “không bao giờ từ bỏ đối thoại với Nga”. Ông Macron cũng cảnh báo cái giá phải trả với Moscow sẽ rất cao nếu xảy ra hành động quân sự đối với Ukraine. Tổng thống Pháp cũng thông báo ông dự kiến có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/1 tới, trong đó ông sẽ đề xuất biện pháp giảm leo thang, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào giải pháp ngoại giao và xoa dịu xung đột liên quan căng thẳng hiện nay ở Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung kêu gọi Nga tham gia đối thoại mang tính xây dựng, trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế hiện có. Theo tuyên bố, EU đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị để đưa ra các biện pháp hạn chế nhằm vào Moscow. Phát biểu ý kiến trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết, các nước châu Âu và Mỹ, với tư cách thành viên NATO, đang cân nhắc các kịch bản khác nhau để ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hiện cả Nga và Ukraine đang xem xét ý tưởng Ankara đóng vai trò giảm căng thẳng giữa hai nước này, như đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2021. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ đến Ukraine vào đầu tháng 2 tới và hy vọng sớm quy tụ được những người đồng cấp của Nga và Ukraine. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tình hình Ukraine, cộng đồng quốc tế hoan nghênh mọi động thái và nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thông qua con đường ngoại giao.