Tìm giải pháp bền vững cho tiêu thụ nông sản

Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhiều yếu kém trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Vậy làm sao để đa dạng hóa các kênh xuất khẩu, tìm được cách thức bán hàng bền vững cho các sản phẩm, xóa bỏ được cụm từ “giải cứu” với nông sản trong nước?

Sản phẩm vải thiều xuất hiện trên nhiều thị trường bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: LÊ MINH
Sản phẩm vải thiều xuất hiện trên nhiều thị trường bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: LÊ MINH

Sau gần 14 năm thực hiện Nghị quyết 26 NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều bước tiến lớn, đời sống người nông dân đã có nhiều thay đổi, cải thiện. Gần đây, thông tin về việc sẽ có nghị quyết mới về “tam nông” cũng là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành nông nghiệp. Nhưng có một vấn đề đã tồn tại từ lâu mà cả chính quyền lẫn người dân cần tập trung giải quyết ngay, đó chính là làm sao xử lý khâu đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp để xóa đi cụm từ “giải cứu” trên thị trường.

Vào giữa năm 2021, đợt tiêu thụ sản phẩm vải thiều là một vụ chung tay ngoạn mục, có sự kết hợp của cả chính quyền, doanh nghiệp lẫn người dân. Kết quả là bằng nhiều con đường khác nhau, vải thiều đã được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu đi nhiều nơi, vải thiều xuất hiện trên nhiều thị trường bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại. Các sàn thương mại điện tử trong nước cùng người dân cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ vải. Trong bối cảnh, đại dịch vẫn đang hoành hành và chưa có một giải pháp cụ thể để xóa bỏ sự “giải cứu”, mô hình chung tay xử lý khâu đầu ra của sản phẩm vải thiều năm ngoái nên được nhân rộng. Đây là giải pháp tức thời có thể thực hiện ngay để giúp người nông dân đưa sản phẩm ra thị trường.

Cũng cần nhớ lại vào thời điểm năm 2017, chúng ta đã có một chiến dịch để giải cứu những người nuôi lợn khi giá thịt rớt xuống một cách thê thảm. Nhưng sau đó, khi thịt lợn tăng giá rất nhiều, chính quyền đã có nhiều biện pháp để giảm giá, bình ổn giá thì người đi chợ gặp phải trải nghiệm “muốn mua giá đó lên tivi mà mua”. Điều này phần nào làm giảm đi ý muốn hỗ trợ của người dân đối với các sản phẩm đang khó tiêu thụ. Người nông dân cũng cần phải năng động hơn trong nền kinh tế thị trường. Họ cần phải hiểu được cụm từ “giải cứu” sẽ gây bất lợi đối với chính những sản phẩm mà họ sản xuất ra. Hàng hóa cần phải vận động theo đúng quy tắc cung cầu, theo quy luật của thị trường. Chưa kể, có một số người lợi dụng “giải cứu” để tuồn hàng kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn ra thị trường.

Đã có nhiều thông tin truyền thông nói về việc không dùng từ “giải cứu” khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung. Người nông dân khi sản xuất ra sản phẩm cũng muốn công sức của mình được công nhận, không muốn hàng hóa của mình được mua bán theo kiểu làm từ thiện, vì lòng thương. Nhưng không thể phủ nhận phương án giải cứu vẫn tồn tại. Chỉ cần bước chân ra phố, nơi thì giải cứu mít, chỗ thì giải cứu dưa hấu… Những sản phẩm giải cứu thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với khi các sản phẩm được tiêu thụ bình thường trên thị trường. Điều này cũng gây ra tâm lý về mức giá với người dân, khiến cho sản phẩm khó có thể tiêu thụ bình thường sau khi đã giảm giá.

Việt Nam có một thị trường lớn với dân số gần 100 triệu dân. Vì thế, các doanh nghiệp, người dân cũng nên ưu tiên trước cho thị trường trong nước trước khi theo đuổi mục tiêu xuất khẩu. Chính quyền cũng cần có biện pháp để kết nối các hộ nông dân, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp với các công ty, tập đoàn bán lẻ lớn để bảo đảm có được một “đầu ra” bền vững cho các sản phẩm nông sản. Người nông dân cũng cần năng động hơn trong việc tìm kiếm “đầu ra” của riêng mình. 

Các hộ nông dân cá thể có thể tham khảo một số mô hình của nông dân Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, để thành lập ra một tổ chức có gần như hợp tác xã nhưng có phương thức quản lý tốt hơn, có thể cùng nhau bình ổn giá, cùng nhau tìm ra nguồn cầu. Việc hiện đại hóa sản xuất cũng dễ dàng hơn nếu thực hiện trong một tập thể mà mỗi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc cần phải thay đổi phương thức sản xuất. Qua đó, môi trường sản xuất của người nông dân sẽ bền vững hơn. 

Chính sách “không Covid” của Trung Quốc đã khiến rất nhiều mặt hàng nông sản của ta không xuất khẩu được hoặc tắc nghẽn tại biên giới trong thời gian dài. Đây cũng là vấn đề cần tính đến vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng phần trăm kim ngạch xuất khẩu là 17,4%. Vì thế bài toán lâu dài hơn là phải tìm thêm những đường ra khác cho các sản phẩm nông nghiệp. Vấn đề chính cần phải xử lý là nghiên cứu biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng được những thị trường khó tính hơn. Làm sao thay đổi tư duy của người dân, tránh để họ nghĩ theo lối mòn rằng, chỉ cần một lần xuất hàng sang Trung Quốc cũng đã bằng nhiều lần, thậm chí vài chục lần so với việc xuất khẩu đi những nơi khác.

Cuối cùng, các phương án “giải cứu” tồn tại cũng do yếu tố đầu ra. Để có được đầu ra, bán được sản phẩm của mình một cách rộng rãi, người nông dân cũng cần hiểu về thương hiệu của sản phẩm. Cần phải phổ biến nhiều hơn về các tiêu chuẩn như OCOP, VietGAP và GlobalGAP để người dân ý thức nhiều hơn về chất lượng sản phẩm của mình. Các khâu từ chọn giống, sản xuất đến chế biến... đều phải tuân theo những tiêu chuẩn, quy trình chặt chẽ. Cứ mỗi khâu trên được hoàn thiện theo đúng tiêu chuẩn đặt ra, giá trị của sản phẩm sẽ tăng lên. Từ đó, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhiều thị trường đa dạng hơn, việc tìm kiếm đầu ra cũng sẽ dễ dàng hơn, xóa bỏ đi cụm từ “giải cứu” đang xuất hiện trên thị trường.