Mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp

Mặc dù so thời điểm đầu năm 2021, lãi suất liên ngân hàng đã tăng, nhưng so cùng kỳ các năm trong giai đoạn trước đây thì mặt bằng lãi suất (MBLS) vẫn ở mức thấp. Việc giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp là chính sách hợp lý, nhưng theo nhiều chuyên gia, nếu duy trì MBLS thấp trong thời gian dài cũng có những hệ lụy nhất định.

Các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi kích cầu tín dụng. Ảnh: NG.ANH
Các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi kích cầu tín dụng. Ảnh: NG.ANH

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc nhiều lần giảm lãi suất điều hành (LSĐH) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam trong năm 2020 là điều kiện tốt để các NH tiết giảm chi phí đầu vào, hạ lãi suất cho vay (LSCV). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cầu vốn của khách hàng không những khó tăng, mà còn phải đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ... nhất là với những doanh nghiệp (DN) lĩnh vực du lịch, dịch vụ… Đồng thời, các NH cũng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi kích cầu tín dụng. 

Thực tế, tính từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã ba lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm từ 1,5 - 2%/năm LSĐH (là một trong các NHT.Ư có mức cắt giảm LSĐH lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần LSCV đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh LSCV để hỗ trợ DN vượt khó, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Tại các NHTM cổ phần vốn nhà nước chi phối, LSCV đã được điều chỉnh giảm ngay sau khi NHNN giảm LSĐH và ban hành văn bản về việc triển khai nhiệm vụ ngành NH sáu tháng cuối năm 2020, yêu cầu các NH tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động (LSHĐ) tiền gửi để tạo cơ sở cho việc hạ thêm LSCV đối với các khoản vay hiện hữu, các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng DN, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù LSHĐ giảm, song tiền tiết kiệm vào NH vẫn gia tăng, tổng phương diện thanh toán năm 2020 toàn ngành tăng hơn 13%. Vì lẽ đó, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN tiếp tục cắt giảm thêm LSĐH để hỗ trợ DN và nền kinh tế.

Trên thực tế, NHNN ít sử dụng công cụ lãi suất, mà chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền cung ứng và công cụ hạn mức tín dụng trên thị trường tiền tệ.

Theo chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Chí Hiếu, NHNN vẫn còn dư địa giảm MBLS, nhưng giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát. Nếu có thể kiềm chế lạm phát xuống dưới mức 3% trong năm nay thì còn cơ hội cho một đợt giảm LSĐH. Mặc dù về lý thuyết thì NHNN còn dư địa hạ thêm LSĐH, nhưng những dấu hiệu lạm phát trên thế giới là điều không thể bỏ qua vì kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Ngoài ra, MBLS thấp mang đến tác dụng phụ là kích hoạt “bong bóng” ở bất động sản, chứng khoán...

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia tài chính - NH Cấn Văn Lực cũng cho rằng, bài toán đặt ra với Việt Nam lúc này là điều hành lãi suất sao cho phù hợp thực tế, tức là vừa bảo đảm lợi ích của các bên trong nền kinh tế, vừa bảo đảm điều hành vĩ mô, lạm phát… để tránh nguy cơ “bong bóng”, cho nên việc duy trì MBLS quá thấp trong thời gian dài chưa hẳn đã tốt. 

Theo Phó Viện trưởng Kinh tế tài chính Nguyễn Đức Độ, mặc dù so thời điểm đầu năm 2021, lãi suất liên NH đã tăng, nhưng so cùng kỳ các năm trong giai đoạn trước đây thì MBLS vẫn ở mức thấp. Mà đặt trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì việc lãi suất có tăng cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, dù lãi suất liên NH tăng, song LSHĐ của các NH gần như đi ngang.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên diện rộng, nhiều nhận định cho rằng, xu hướng tăng nhẹ LSHĐ tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn đang gia tăng có thể tiếp tục diễn ra vào các quý tiếp theo khi cầu vốn tăng mạnh hơn. Sau đó, mặt bằng LSCV cũng sẽ được điều chỉnh theo. Tuy nhiên, hiện tại, dịch Covid-19 đã dùng phát trở lại vào cuối tháng 4 và đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh, tổng cầu của nền kinh tế dù có cải thiện, nhưng khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch.

Có thể thấy, để dự báo MBLS bảy tháng còn lại năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam như thế nào. Nếu kiểm soát dịch bệnh tốt ngay trong tháng 5 này, đà phục hồi kinh tế khả quan hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, MBLS có tăng nhẹ trở lại trong giai đoạn tới cũng là điều bình thường. Trường hợp tăng trưởng kinh tế chưa được như ý muốn dưới tác động của dịch Covid-19 thì khả năng cao là từ giờ đến cuối năm, NHNN điều hành các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) bảo đảm MBLS ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng chứ khó có thể đòi hỏi giảm thêm lãi suất. Bởi thực tế, hiện CSTT đang ở trạng thái “nới lỏng”, không thể nới thêm nữa vì sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, thời gian này, NHNN tiếp tục duy trì ổn định CSTT. Còn muốn bình thường hóa CSTT phải phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Theo TS Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn CSTT quốc gia cho rằng, rủi ro tài chính đang hiện hữu nên dư địa giảm lãi suất gần như là không còn. Việc NHNN không đảo ngược CSTT từ đầu năm đến nay đã là một thành công. Tinh thần điều hành CSTT, lãi suất vẫn là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng trước ẩn số khó lường dịch bệnh, nguy cơ rủi ro hệ thống, vĩ mô, tài chính, lạm phát vẫn cần rất thận trọng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định vì rủi ro do đại dịch Covid-19, trong khi áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng cao trở lại, CSTT cần phải được điều hành hết sức thận trọng và linh hoạt để ứng phó.