Hướng tới xuất khẩu trực tuyến & thanh toán số

Trong bối cảnh của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân hay các doanh nghiệp (DN) đều đã có sự thay đổi nhận thức trên nhiều phương diện của chuyển đổi số (CĐS). Với xu thế này sẽ tạo nên một làn sóng tích cực cho sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Thanh toán không dùng tiền mặt dần quen thuộc với người tiêu dùng. Ảnh: NAM ANH
Thanh toán không dùng tiền mặt dần quen thuộc với người tiêu dùng. Ảnh: NAM ANH

Mới đây, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã có buổi họp trực tuyến với Công ty Công nghệ thanh toán toàn cầu (Visa) tại ba điểm cầu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Singapore về định hướng phát triển nền tảng thanh toán không tiền mặt dành cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng (NTD) năm 2021, 85% số NTD trên khắp Đông - Nam Á chấp nhận các phương thức thanh toán số như thanh toán bằng thẻ, thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR. Gần hai phần ba NTD ở Đông - Nam Á (64%) đã trải nghiệm không dùng tiền mặt, đặc biệt là NTD ở Việt Nam (84%), Thái-lan (82%) và Philippines (79%).

Với sự hiện diện của ngày càng nhiều các phương thức thanh toán hiện đại và mới mẻ trên khắp Đông - Nam Á, NTD có vô số các lựa chọn và cũng vì thế, sở thích thanh toán của họ trở nên đa dạng hơn. Cũng theo nghiên cứu trên, thẻ không tiếp xúc vẫn duy trì mức độ phổ biến tại khu vực này, với tỷ lệ sử dụng dẫn đầu tại Singapore (75%), Malaysia (65%) và Thái-lan (41%). Tuy nhiên, ở một số thị trường nhất định, vẫn còn nhiều cơ hội rất lớn để thúc đẩy việc sử dụng thẻ không tiếp xúc. Gần bốn phần năm số người không sử dụng thẻ không tiếp xúc (74%) quan tâm việc áp dụng phương thức thanh toán này, đặc biệt là ở Philippines (88%), Việt Nam (87%) và Thái-lan (85%).

Mặc dù thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động ít phổ biến hơn trong khu vực, tuy nhiên, chúng cũng có sự gia tăng nhất định tại các thị trường như Thái-lan (45%), Singapore (45%), Việt Nam (45%) và Malaysia (37%). Theo đó, tiềm năng để thúc đẩy áp dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động là rất lớn, với 7/10 người chưa sử dụng quan tâm đến phương thức thanh toán này, đặc biệt là ở Thái-lan (85%) và Việt Nam (84%). Khi các hình thức thanh toán mới liên tục xuất hiện trong khu vực, NTD có khả năng tiếp cận nhiều loại hình thanh toán số khác nhau, họ có xu hướng lựa chọn hình thức thanh toán sáng tạo hơn. Tăng trưởng của TMĐT được nhìn thấy rõ rệt ở Đông - Nam Á, khi NTD bắt đầu hình thành thói quen mua sắm mới do tác động của đại dịch.

Giám đốc Visa khu vực Đông - Nam Á Tareq Muhmood nhận định, khi sở thích và thói quen của NTD liên tục thay đổi, DN có thể đáp ứng sự hài lòng của NTD bằng các chiến lược thúc đẩy kỹ thuật số trong thương mại và thanh toán. Điều này bao gồm thiết lập nền tảng TMĐT và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc để NTD có thể mua sắm và thanh toán theo cách họ muốn. Và DN Đông - Nam Á cũng đã nhận ra sự cần thiết của giải pháp kỹ thuật số đối với hiệu quả vận hành kinh doanh.

Sau sự thành công của các chương trình hỗ trợ DN địa phương phát triển năng lực TMĐT qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, đặc biệt là chương trình hỗ trợ tiêu thụ hơn 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang trên các sàn TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng như VISA đều nhận thấy được những lợi ích khi DN triển khai kinh doanh mặt hàng nông - lâm - thủy sản trên môi trường số nói chung và công cuộc số hóa của lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam nói riêng sẽ tạo nên một làn sóng tích cực cho sự phát triển của TMĐT và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Qua đó, hai bên đều mong muốn có thể lựa chọn những chính sách, hình thức phù hợp để hợp tác điều phối hài hòa giữa TMĐT và cách thức kinh doanh của các DN nhằm ứng dụng, triển khai các giải pháp phù hợp về thanh toán trực tuyến cho các DN, hợp tác xã (HTX) với các sản phẩm nông sản tiềm năng của địa phương trong khuôn khổ Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tại buổi họp, đại diện phía VISA đã giới thiệu những giải pháp tối ưu thanh toán số và công nghệ số hỗ trợ CĐS cho DN cũng như những định hướng mà công ty đang hướng đến để hỗ trợ cho các DNNVV, đặc biệt là các DN, HTX trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tại Việt Nam. Đối với chương trình xuất khẩu (XK) hàng nông sản Việt Nam qua TMĐT xuyên biên giới, VISA kỳ vọng có những sự hợp tác và hỗ trợ cụ thể đối với việc thúc đẩy ứng dụng thanh toán trong XK hàng hóa của Việt Nam ra thị trường nước ngoài qua TMĐT.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số Bùi Huy Hoàng, trong bối cảnh của dịch Covid-19, người dân hay các DN đều đã có sự thay đổi nhận thức trên nhiều phương diện của CĐS. Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức song hành cùng với các nền tảng kinh doanh trực tuyến, VISA có những lợi thế lớn về thanh toán quốc tế toàn cầu sẽ có thể cung cấp những giải pháp phù hợp cho các DN, HTX địa phương trong chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”.

Ông Bùi Huy Hoàng cho biết thêm, đặc biệt hơn là cho chương trình TMĐT xuyên biên giới đang được Cục TMĐT và Kinh tế số triển khai hợp tác với Viettel Post để tổ chức XK các mặt hàng nông sản ra thị trường nước ngoài qua TMĐT. Hai bên sẽ cùng nghiên cứu và xây dựng những giải pháp, chương trình phù hợp để triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng như phát triển kỹ năng TMĐT hỗ trợ các DN, HTX địa phương trong thời gian tới.