Giá cả tăng, doanh nghiệp gặp khó

“Bão giá” xăng dầu - nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đang đối diện với hàng loạt khó khăn khi chi phí tăng mạnh, giá đầu vào bị đội lên rất cao trong khi đầu ra vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: HẢI NAM
Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: HẢI NAM

Nhiều sản phẩm đội giá theo xăng dầu

Đầu tháng 6/2022, gia đình anh Trần Văn Trọng (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho thợ đào móng, để xây nhà vườn với diện tích 150m2. Sau khi xem xét thực tế ngôi nhà, bên cung cấp vật liệu xây dựng báo giá gạch xây khoảng 2.600 đồng mỗi viên. Xây được một tháng, anh Trọng liên tục nhận được thông báo tăng giá gạch xây, từ 2.600 đồng lên hơn 3.000 đồng mỗi viên.

“Mới có một tháng mà giá tăng phi mã. Tiền cát, đá, sắt, thép rồi tiền mướn thợ..., cái nào cũng tăng”, anh Trọng nói và cho biết, giá tăng đã đành, nhiều lò gạch ở Hà Tĩnh còn cháy hàng, không đủ gạch cung cấp cho khách hàng. “Có những lần, tôi phải cho thợ nghỉ cả nửa tháng vì không có gạch để xây. Sau đó, tôi phải nhờ người quen liên hệ các lò gạch, phải ra tận Nghệ An lấy hàng, để bảo đảm tiến độ”, anh Trọng cho hay.

Thời gian qua, gánh nặng giá nhiên liệu đầu vào đã khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bị bào mòn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, họ phải tăng giá bán theo mức tăng của chi phí đầu vào để tránh thua lỗ. Tuy nhiên, việc tăng giá bán đồng nghĩa việc tiêu thụ hàng hóa sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể không dễ đàm phán với đối tác về mức giá mới. 

Theo ông Nguyễn Tùng - Quản lý dự án xây dựng AZ Thăng Long, ngành xây dựng, thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn, khi hàng loạt doanh nghiệp xi-măng thông báo tăng giá bán. Hiện, Vicem Hải Vân điều chỉnh thêm 50.000 đồng một tấn với các loại xi-măng bao và rời, xi-măng Wallcem từ 22/6. Cùng với Tân Quang - VVMI và Vicem Hoàng Thạch, các doanh nghiệp này nằm trong nhóm có mức điều chỉnh giá thấp nhất đợt này.

“Giá thành các vật liệu cơ bản như xi-măng, sắt, thép, gạch, cát, sỏi... trước nay thường chiếm khoảng 25-30% trong chi phí xây dựng nhà ở. Gần đây, chúng tôi phải tăng 300.000-600.000 đồng mỗi m2 với báo giá phần xây dựng thô, lên mức 3,5-4,65 triệu đồng/m2 tùy gói. Nếu giá xi-măng cùng các loại vật liệu xây dựng khác vẫn chưa “hạ nhiệt”, công ty phải nghiên cứu phương án tăng thêm giá xây dựng”, ông Tùng nói.

Đối với dệt may - ngành sử dụng nguyên vật liệu rất lớn, hiện cũng gặp khó khi các nguyên vật liệu sản xuất đến các loại bao bì, vỏ sản phẩm đã đội giá, đến nay đã tăng hơn 20%. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3 cho rằng, hiện nay, 60% nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty đang phải nhập khẩu, nhưng giá nguyên liệu lại tăng mạnh từ 30-50%. Cộng với chi phí logistics cũng tăng từ 5-7 lần so trước đây và giá xăng dầu không ngừng tăng cao đang khiến doanh nghiệp trong nước rất khó để vẫn duy trì sản xuất mà không tăng giá thành sản phẩm bán ra.

“Giá nguyên liệu tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều doanh nghiệp, gây đội các chi phí trong hoạt động sản xuất, giảm mức độ cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu gần đây liên tục được điều chỉnh tăng theo đà tăng của thế giới đã khiến hàng loạt doanh nghiệp lo ngại việc các doanh nghiệp vận tải, logistics… phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh. Từ đó, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và giá thành sản phẩm. Chưa kể, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào cho rất nhiều sản phẩm. Do vậy, không thể tránh khỏi việc phải điều chỉnh giá sản phẩm để phù hợp với chi phí sản xuất. Điều này có thể khiến sức cạnh tranh của sản phẩm giảm đi”, ông Hồng nói.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho biết, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều biến động của tình hình thế giới hiện nay. Cụ thể, mức độ lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá lương thực tăng cao, dẫn tới nhu cầu cho dệt may giảm sút, điều này sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và quý IV.

Ông Việt lo ngại, mặc dù đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và một số mặt hàng thế mạnh như sơ-mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022, nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột. Thêm vào đó, chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đang tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp.

Giá cả tăng, doanh nghiệp gặp khó -0
Ngành dệt may hiện cũng gặp khó khăn khi các nguyên vật liệu sản xuất đến các loại bao bì, vỏ sản phẩm đã đội giá. Ảnh: NGUYỆT ANH 

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trao đổi với Thời Nay, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, dù có tới 98.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có gần 72.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 16% so cùng kỳ, trong khi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài lại tăng gấp hai lần. 

“Những chỉ báo đó cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam đang rất gian nan. Gian nan là bởi các khó khăn về thị trường, rào cản pháp lý, thủ tục hành chính phiền hà và đặc biệt chi phí đầu vào tăng rất cao theo giá xăng dầu đang là những trở lực lớn cho những nỗ lực phục hồi của họ và rất cần phải được quan tâm tháo gỡ”, ông Lộc nói.

Để “hạ nhiệt” chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, TS Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng, dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Bởi sau hai năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, thu nhập của họ đã bị bào mòn rất nhiều.

Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để bảo đảm duy trì sản xuất, doanh nghiệp nên chuyển hướng tìm các nguồn nguyên liệu mới có giá thành rẻ hơn hoặc chuyển sang mua chung nguyên vật liệu để bớt đi các chi phí. Doanh nghiệp cũng phải cắt giảm các chi phí chưa cần thiết thời điểm này để giữ công ăn việc làm cho công nhân. 

Nhận định, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang trong thời điểm gom vốn, hồi sức để sản xuất, lấy lại thị trường, nhưng lại gặp khó ở vấn đề chi phí.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, doanh nghiệp cần có sự chủ động sắp xếp để vượt qua khó khăn trong lạm phát từ chi phí đẩy của thế giới:  “Chính phủ phải sử dụng một số quỹ để ổn định một số mặt hàng thiết yếu để bảo đảm cho số đông người lao động là người dễ bị tổn thương nhất”, ông Hiển nói.

Vật tư, nguyên vật liệu tăng cao do đứt gãy nguồn cung và lạm phát

Trả lời trước Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đây là thực trạng phổ biến toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao. Trước tình hình đó, Chính phủ đã dùng nhiều chính sách, giảm thuế, giảm tiền điện, lãi suất, hỗ trợ việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế đầu vào để giảm giá thành sản phẩm, tăng cường kiểm tra thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước cần.

Còn về giải pháp khi giá xăng dầu tăng cao, Bộ trưởng Công thương cho biết, sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền có thể nghiên cứu, điều chỉnh lại thuế.

“Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế”, ông Diên nói.