Dồn lực cho những công trình trọng điểm

Việc tập trung nguồn vốn đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đã giúp cho thành phố Hồ Chí Minh thay đổi diện mạo đô thị. Thành phố mang tên Bác và các địa phương lân cận cũng đang sẵn sàng khởi công xây dựng tuyến đường vành đai 3. Đây là dự án vô cùng cấp thiết, tạo sự đột phá phát triển giao thông, giải quyết quá tải về giao thông cho khu vực.

Đường song hành Võ Văn Kiệt hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần chỉnh trang đô thị TP Hồ Chí Minh.
Đường song hành Võ Văn Kiệt hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần chỉnh trang đô thị TP Hồ Chí Minh.

Thay đổi diện mạo

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, người dân thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức được điều khiển các phương tiện đi qua cầu Thủ Thiêm 2, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm này hoàn thành sau bảy năm xây dựng (khởi công năm 2015). Từ đây, người dân trung tâm thành phố (quận 1) di chuyển thuận lợi và nhanh chóng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm, hướng ra cửa ngõ (thành phố Thủ Đức) và ngược lại.

“Thật khó diễn tả hết cảm xúc hân hoan của tôi lúc này. Người dân chúng tôi đã phải chờ đợi khá lâu để tận mặt thấy được cây cầu dây văng tuyệt đẹp uốn lượn trong lòng trung tâm thành phố trên dòng sông Sài Gòn thơ mộng”, ông Cao Văn Sang (ngụ đường Hàm Nghi, phường Bến Nghé, quận 1) chia sẻ niềm vui khi trở thành một trong những người dân đầu tiên đi lên cầu Thủ Thiêm 2.

Cầu Thủ Thiêm 2 dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886 m với sáu làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m, tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Toàn bộ phần trụ tháp và hệ thống 56 dây văng đã kết nối với nhau, theo hướng nghiêng về thành phố Thủ Đức. Trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công trình giúp kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giảm ùn tắc giao thông, hoàn thiện diện mạo đô thị, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế-xã hội thành phố.

Trước đó, ngày 26/4, hai công trình tiêu biểu của thành phố Hồ Chí Minh là đường song hành Võ Văn Kiệt và đường Đặng Thúc Vịnh cũng hoàn thành và thông xe sau khi nâng cấp, mở rộng. Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường song hành Võ Văn Kiệt có chiều dài hơn 600 m, rộng 7 m, nằm cặp bên đại lộ Võ Văn Kiệt, dọc theo bờ kênh Tàu Hũ và phía dưới cầu Calmette (quận 1). Công trình khởi công vào tháng 5/2021, với tổng kinh phí 54 tỷ đồng. 

“Mức đầu tư tuy không lớn nhưng tuyến đường giúp giải quyết tình trạng ùn ứ, mất an toàn cho đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn trung tâm thành phố. Dự án cũng thực hiện được nhiều hạng mục như chỉnh trang hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, đặc biệt đã kết hợp nạo vét kênh. Trong tương lai, khu vực này sẽ là con đường kiểu mẫu với giao thông xanh kết hợp với tuyến bus sông. Công trình này là một phần để chúng ta chuẩn bị cho việc tổ chức giao thông, chỉnh trang đô thị bờ kè, góp phần sau này tổ chức thuận lợi tuyến bus nhanh BRT và tuyến bus sông số 2”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm nhấn mạnh về ý nghĩa của tuyến đường.

Trong khi đó, dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn) được đầu tư gần 700 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Đoạn nâng cấp dài hơn 5 km, mở rộng mặt đường lên 30 m. Dự án cũng làm đồng bộ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... Sau bốn năm triển khai (từ năm 2018), thì đến nay công trình mới hoàn thành và thông xe. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), đường Đặng Thúc Vịnh thuộc trục kết nối thành phố qua tỉnh Bình Dương, Long An. Trước khi được nâng cấp, mặt đường rộng 7-8 m, thường xuyên ngập nước, kẹt xe, ảnh hưởng đi lại và đời sống cùa người dân. Vậy nên, khi con đường được nâng cấp, mở rộng đã góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông cửa ngõ tây bắc thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá, quá trình triển khai, dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật rất lớn nhưng các đơn vị chủ động triển khai nhiều giải pháp để sớm hoàn tất. Đây cũng là kinh nghiệm cho nhiều dự án khác khi triển khai công tác đền bù. “Thời gian tới, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm khu vực như mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa, Nguyễn Ảnh Thủ, song hành Phan Văn Hớn..., để dần hoàn thiện hệ thống giao thông ở khu vực và kết nối đường vành đai 3”, ông Võ Văn Hoan nêu rõ.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng tiếp tục “đổ” vào dự án giao thông

Ngày 10/5, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn gửi các sở, ngành liên quan về danh mục các công trình giao thông trọng điểm năm 2022. Theo đó, danh mục dự án, công trình trọng điểm giao thông năm 2022 gồm 29 dự án với tổng mức đầu tư 243.204 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, ODA, phương thức đối tác công - tư (PPP). Trong nhóm dự án chuẩn bị khởi công, nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) có tổng vốn 3.926 tỷ đồng, dự kiến khởi công ngày 2/9 và hoàn thành năm 2025. Tiếp đến là dự án mở rộng quốc lộ 50 (đoạn qua huyện Bình Chánh), tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, khởi công quý IV năm nay. Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) có tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng, dự kiến cũng sẽ khởi công cuối năm nay.

Trong nhóm dự án chuẩn bị đầu tư có cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) đang được tiến hành lập công tác đầu tư trong năm nay. Tuyến đường dài hơn 530 km, kết nối thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Tây Ninh, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2026. Tiếp đó là dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối thành phố Thủ Đức qua quận 7), vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng và cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè qua Cần Giờ), tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, đều dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028. Ngoài ra, ba dự án đoạn 1, 2, 4 khép kín vành đai 2, đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (huyện Bình Chánh) và hai dự án đường vành đai 3, 4 cũng đang được các địa phương sẵn sàng đầu tư xây dựng.

Cuối cùng là nhóm dự án đang thi công như mở rộng Xa lộ Hà Nội, bốn tuyến đường chính khu đô thị Thủ Thiêm, nâng cấp đường Lương Định Của, cầu Tăng Long, nút giao Mỹ Thủy, cầu Long Kiểng, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ..., đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các dự án trên đều có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng về kết nối liên vùng, giải quyết ùn tắc giao thông ở sân bay, cảng biển và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới, góp phần đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. “Việc ban hành danh mục các công trình giao thông trọng điểm là cơ sở để sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư..., tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.

Một trong những dự án đang được người dân thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận mong chờ là dự án xây dựng đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 này. Sau khi được thông qua, tuyến đường sẽ khởi công trong năm 2023, thông xe năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026. Hiện, bốn địa phương có tuyến đường đi qua (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An) đều đã sẵn sàng triển khai dự án.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, ông Lương Minh Phúc cho hay, giai đoạn 1 của đường vành đai 3 có chiều dài 76 km, tổng kinh phí 75.377 tỷ đồng. Về nguồn vốn đầu tư, các địa phương kiến nghị bố trí nguồn vốn trung ương 38.740 tỷ đồng, theo tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư tại tỉnh Long An. “Tuyến đường là ước vọng của 20 triệu bà con vùng kinh tế trọng điểm phía nam”, ông Lương Minh Phúc chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng, để bảo đảm tiến độ xây dựng, thành phố và các tỉnh lân cận đã thống nhất đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng. Trong đó, các địa phương đề xuất rà soát, thu hồi quỹ đất dọc vành đai để đấu giá. Thống kê sơ bộ, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý có thể đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai có khoảng 214 ha, giá trị thu về sau khi đấu giá khoảng 4.332 tỷ đồng. Nguồn quỹ đất ở Bình Dương và Long An cũng đang được rà soát. Nếu khai thác tốt quỹ đất dọc tuyến đường vành đai 3, các địa phương sẽ không thiếu tiền thực hiện dự án.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, việc các địa phương đề xuất khai thác quỹ đất dọc tuyến đường để đấu giá, thu về cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng là rất cần thiết. Đây là dự án vô cùng cấp thiết, tạo sự đột phá phát triển giao thông, giải quyết quá tải về giao thông cho thành phố Hồ Chí Minh và vùng lân cận. Tuyến đường được kỳ vọng tạo không gian phát triển mới cho các đô thị vệ tinh, tạo thêm sức hút cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam.