Để cổ phần hóa không chậm tiến độ

Tình trạng cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ì ạch, chậm tiến độ đã diễn ra nhiều năm nay, rất cần được tháo gỡ để tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Quá trình cổ phần hóa đang gặp nhiều vướng mắc do định giá đất. Ảnh: NAM ANH
Quá trình cổ phần hóa đang gặp nhiều vướng mắc do định giá đất. Ảnh: NAM ANH

Nhận diện “nút thắt”

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt nhiều năm qua. Tuy vậy, kế hoạch CPH, thoái vốn gần đây đang có tốc độ ngày càng chậm.

Theo số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2016-2020, có 180 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH, trong đó chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục bắt buộc phải chuyển đổi sở hữu theo Quyết định 991 và Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ, tức là mới đạt 30% kế hoạch. Tổng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực tế bán được chỉ đạt 23% kế hoạch.

Tình hình thoái vốn cũng ì ạch tương tự. Cả giai đoạn 2016-2020 chỉ thoái được vốn tại 106 doanh nghiệp, trị giá 6.493 tỷ đồng. So kế hoạch chỉ đạt 30% về số lượng doanh nghiệp thoái vốn và 11% giá trị thoái vốn. 

Năm 2021 và bốn tháng đầu năm 2022, tiến trình CPH và thoái vốn gần như bị “đóng băng”. Tại một hội thảo bàn về các giải pháp thúc đẩy CPH và thoái vốn diễn ra mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, năm 2021 kế hoạch Quốc hội giao phải thu 40.000 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước nhưng đến hết năm chỉ thu được chưa đến 2.000 tỷ đồng. Năm 2022, dự toán giao thu từ hoạt động này là 30.000 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến nay mới thu được 229 tỷ đồng. “Năm nay cũng sẽ như năm ngoái, gần như không triển khai được CPH nên không thu được tiền từ hoạt động này”, Bộ trưởng nhận định.

Ngay cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng không hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn, CPH. Theo bà Nguyễn Thị Thu Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đơn vị này là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 17 tập đoàn, tổng công ty chiếm đa số vốn nhà nước tại doanh nghiệp, song giai đoạn 2017-2020 cũng không hoàn thành kế hoạch thoái vốn, CPH tại 27/38 doanh nghiệp cấp 2 thuộc các tập đoàn, tổng công ty. 

Nếu thực trạng này còn tiếp diễn, mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ có nguy cơ khó hoàn thành, ngân sách nhà nước bị giảm thu, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần nhiều nguồn lực để phục hồi sau đại dịch.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng Tài chính chỉ ra một “nút thắt” căn bản là việc xác định giá trị doanh nghiệp khi CPH không chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại nên gây ra thất thoát, lãng phí. 

Ông Phớc dẫn chứng, một số vụ việc CPH doanh nghiệp nhà nước thời gian qua để xảy ra sai phạm liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp (xác định giá trị quyền sử dụng đất không chính xác, vi phạm về bán thanh lý tài sản, bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản và vốn của nhà nước...) đã bị hình sự hóa thành các vụ án tại Công ty Tân Thuận, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Công trình giao thông 1, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương…

“Thời kỳ tôi còn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán giá trị 45 doanh nghiệp sau CPH thì thấy sau kiểm toán, giá trị doanh nghiệp tăng lên nhiều lần, bình quân 2,8 lần”, ông Phớc chia sẻ.

Tư lệnh ngành tài chính cũng nhận định, trong xác định giá trị doanh nghiệp để CPH thì rủi ro lớn nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất. Việc cho phép tính tiền thuê đất một lần vào giá trị doanh nghiệp để CPH gây nên bất cập là thiếu cơ sở để định giá đối với giá thuê đất một lần. Thậm chí có xác định giá thuê sát thực tế xong thì 5 năm, 10 năm sau giá này lại khác. Đây là một lỗ hổng gây thất thoát. Đó là chưa kể sau khi xác định xong giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả đất công, doanh nghiệp đã được phê duyệt CPH đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất xây dựng nhà ở đô thị thì giá trị đất lại thay đổi, gây thất thoát tiếp.

Hiện nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương còn nhiều DNNN nhất cả nước và thường xuyên bị nhắc nhở vì chậm trễ CPH, thoái vốn. Ông Nguyễn Xuân Sáng, Chi cục trưởng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP Hà Nội cho rằng, chậm trễ trong CPH có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là vướng mắc, bất cập về văn bản pháp lý, cụ thể là thiếu hướng dẫn cụ thể để xác định giá trị doanh nghiệp vô hình như giá trị thương hiệu về mặt lịch sử, tâm linh; hay đối với những loại hàng hóa đặc thù không có thị trường để định giá. 

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh nêu bất cập là thời gian qua, một số sai sót trong định giá doanh nghiệp thường bị quy kết trách nhiệm cho Ban chỉ đạo CPH mặc dù đây là tổ chức liên ngành, không có chuyên môn sâu về định giá nên họ rất e ngại rủi ro.

Để cổ phần hóa không chậm tiến độ -0
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội còn chậm. Ảnh: LÊ MINH 

Đề xuất bỏ đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi CPH

Theo Bộ trưởng Tài chính, sắp tới, việc phê duyệt phương án sắp xếp quản lý nhà đất của DNNN sẽ phải bám vào tinh thần của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 (khóa XIII). Mới đây, ngày 17/3/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; bảo đảm nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ CPH, Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần phải xin ý kiến tham mưu của các DNNN, các chuyên gia, lãnh đạo địa phương để sửa đổi chính sách. 

Ông Phớc đặt vấn đề, có nên tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH không? Những DNNN đang làm ăn có lãi thì có nhất thiết phải CPH không? Khi CPH, thoái vốn nhà nước thì có nên giữ lại tỷ lệ sở hữu nhà nước dưới 50% không hay là bán hết vốn nhà nước?...

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, nên tách giá trị quyền sử dụng đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi CPH để công tác CPH trở nên thực chất là bán doanh nghiệp chứ không phải bán đất công. 

Đồng quan điểm loại đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi CPH, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói rằng, đưa đất vào chỉ gây khó cho doanh nghiệp, bởi giá thị trường thay đổi liên tục trong khi chính sách không theo kịp khiến doanh nghiệp rất ngại liên quan đến đất vì sợ vi phạm. 

“Cũng như các đơn vị khác, EVN lo sợ nhất là khi đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn. Định giá cao thì không ai mua, thấp thì sợ làm sai. Trên thực tế, làm gì có thị trường nào xác định được giá bán cả cái khuôn viên mà lại căn cứ vào giá mà người dân đang giao dịch?”, ông Nam nêu vấn đề.

Trong khi đó, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, để CPH đạt hiệu quả cần đa dạng hóa các hình thức giảm vốn nhà nước như kết hợp bán vốn nhà nước với tăng quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước để giúp doanh nghiệp giảm tỷ lệ sở hữu nhưng không bị giảm năng lực tài chính. Vị đại diện cũng nêu quan điểm, CPH, thoái vốn nhà nước không nên thực hiện bằng mọi giá mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, miễn là công khai, minh bạch và thu hồi tối đa vốn nhà nước.