Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Kết quả kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm tương đối khả quan, nhiều dự báo cho rằng, chúng ta có thể đạt được mục tiêu GDP 6-6,5% mà Quốc hội giao. Song quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn vẫn cần sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi sản xuất. Ảnh: NAM ANH
Nhiều doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi sản xuất. Ảnh: NAM ANH

Doanh nghiệp vẫn chưa hết khó

Mới đây, trao đổi ý kiến tại một diễn đàn về tài chính, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG cho rằng, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng nhưng gần như các tổ chức tín dụng giờ đều đã hết “room”.

Cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng là nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Thời đề nghị các cơ quan nhà nước và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu nới “room” tín dụng cho các ngân hàng để có nhiều doanh nghiệp được vay vốn hơn. “So với mức ổn định của room tín dụng thường vào khoảng 14%, thì mức hơn 8% hiện nay vẫn đang thấp. Việc kiềm chế lạm phát là nhu cầu bức thiết nhưng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế còn cấp thiết hơn nhiều”, Chủ tịch TNG nêu quan điểm.

Vấn đề doanh nghiệp “khát” vốn trông chờ nới “room” tín dụng cũng là một chủ đề làm “nóng” nghị trường Quốc hội tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng hôm 8/6 vừa qua. Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, nhất là trong bối cảnh triển khai hỗ trợ 2% lãi suất của gói 40.000 tỷ đồng, tuy nhiên, nhiều ngân hàng luôn trong tình trạng hết “room” tín dụng. 

Cũng tại diễn đàn kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vừa qua, hàng loạt vấn đề khó khăn của doanh nghiệp lần lượt được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn bạc để tìm giải pháp tháo gỡ. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phản ánh tình trạng doanh nghiệp nhóm này vẫn kêu lãi suất cao, tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn. 

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn về gánh nặng thanh tra đối với doanh nghiệp. Dẫn số liệu từ khảo sát “Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2020” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, ông Hiếu thông tin, có 64% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, phải đón tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm 2020, trong đó 20% số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, 14% số doanh nghiệp cho biết bị nhũng nhiễu, phiền hà; khoảng 9% số doanh nghiệp bị thanh tra trùng lặp, có khi bị thanh tra ba lần/năm.

“Tôi hy vọng, đây là thời điểm chấm dứt các gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Trao đổi ý kiến với PV Báo Thời Nay, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, tín hiệu 5 tháng đầu năm nay khá tốt, cứ đà này chúng ta sẽ hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao. Nhưng mục tiêu xa hơn là chúng ta phải vượt ra được “bẫy thu nhập trung bình”, vì vậy cần tiếp tục khơi dậy tinh thần doanh nhân.

Thế nhưng, ông Lộc tâm tư rằng, trong giai đoạn hiện nay, hậu quả của dịch bệnh để lại quá nặng nề, doanh nghiệp tư nhân đang bước vào một giai đoạn rất khó khăn. 5 tháng đầu năm 2022, có 98.000 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường nhưng vẫn có 72.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn 20% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn đầu tư mới của khu vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giảm 16%;  đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng gấp đôi so với năm ngoái. 

Dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy ra bên ngoài, phải chăng đang có vấn đề về niềm tin của doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư trong nước? Ông Lộc nêu vấn đề, đồng thời cho rằng, cải cách thể chế, cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh cần phải được đẩy mạnh nhiều hơn.

“Nếu không kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ một thời gian nữa thôi, chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều doanh nghiệp mạnh của Việt Nam lần lượt bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Đây sẽ là câu chuyện rất đau xót”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp -0
 Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ảnh: SONG ANH

Giải pháp nào?

Sáng 16/6, với 99% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ ba. Trong đó, những chỉ đạo liên quan nới “room” tín dụng đã làm “giải nhiệt” cơn khát vốn của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng; thay vào đó, tiến tới xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trên cơ sở tìnhNhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ảnh: SONG ANHNhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ảnh: SONG ANH hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng.

Nhìn rộng ra, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, quan điểm của Chính phủ và Bộ Tài chính là đẩy mạnh phát triển thị trường vốn (gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp,…) nhằm đa dạng hóa kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, tránh phụ thuộc nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG thừa nhận, doanh nghiệp cần nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu, thời gian qua TNG đã phát hành gói trái phiếu 300 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất. “Nếu các doanh nghiệp phát hành được trái phiếu thì sẽ “dễ thở” hơn đối với áp lực nguồn vốn”, Chủ tịch TNG nói.

Mặc dù vậy, sau một thời gian phát triển quá “nóng” làm nảy sinh nhiều rủi ro, đặc biệt việc một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn vừa bị bắt vì sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, hiện thị trường này đang có sự trầm lắng, nhiều doanh nghiệp quan ngại động thái kiểm soát thị trường sẽ dẫn đến xu hướng “siết chặt” thị trường này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện Chính phủ cũng như Bộ Tài chính không có quan điểm “siết chặt” hay “thắt chặt” thị trường trái phiếu doanh nghiệp như một số người lo ngại. Tư lệnh ngành tài chính khẳng định, đơn vị này chỉ tăng cường kiểm soát nhằm làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ các bên tham gia; còn trong tương lai, quan điểm chủ đạo vẫn là đẩy mạnh phát triển thị trường này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật.

Để giảm bớt gánh nặng thanh tra, kiểm tra và hệ lụy của chi phí không chính thức, phiền hà, nhũng nhiễu, thanh tra trùng lắp…, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị Luật Thanh tra (sửa đổi) cần xây dựng một chương riêng về thanh tra doanh nghiệp để tránh chồng chéo với các hoạt động thanh tra khác, đồng thời quy định về thanh tra doanh nghiệp cần được thực hiện theo nguyên tắc giảm thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; quy định phải được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp tính chất, quy mô kinh doanh và tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

“Theo tôi, hoạt động thanh tra có mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chứ không chỉ là tìm sai để phạt”, ông Hiếu đề nghị.

Cùng quan tâm đến gánh nặng thanh tra của doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị bỏ thiết chế về thanh tra thường xuyên, chỉ giữ lại hình thức thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Góc nhìn của ông Lộc là thực hiện việc thanh/kiểm tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đối với vấn đề cải cách môi trường kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời gian qua việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính đã mang lại nhiều thành tựu song môi trường kinh doanh vẫn còn rủi ro nên công việc này cần được đẩy mạnh hơn nữa. Vị chuyên gia cho rằng, đầu tư lớn nhất của Chính phủ cho cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đầu tư nâng cấp cho thể chế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường sản xuất, kinh doanh. 

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabaco khuyến nghị, cơ quan quản lý cần rà soát lại một số chính sách liên quan đến kiểm soát thị trường vốn thời gian qua để có chính sách hợp lý, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường phát triển và hạn chế rủi ro trong tương lai.

“Cần phải nhìn nhận và đánh giá lại chính sách theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không phải coi doanh nghiệp là đối tượng để quản lý. Việc cải cách thể chế không phải chỉ là tháo gỡ rào cản do chính chúng ta đặt ra trước đó mà cần phải chủ động xây dựng thể chế mới để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế trong giai đoạn phục hồi”, ông So khuyến nghị.