Kho lưu trữ thực phẩm đặc biệt

Đa dạng sản phẩm từ bánh kẹo, sữa, trứng, gia vị cho đến các loại rau, củ, quả, thịt…, mô hình kho hàng chứa thực phẩm vừa được Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (FoodBank Việt Nam) ra mắt tại TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn trên địa bàn.

Không gian chứa thực phẩm đồ khô của kho.
Không gian chứa thực phẩm đồ khô của kho.

Đại diện FoodBank Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất và xuất khẩu lương thực bị thu hẹp khiến tình hình phân phối lương thực bị gián đoạn, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp, đặc biệt là những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, kho hàng chứa thực phẩm ra đời với sứ mệnh cung cấp đồ ăn miễn phí cho người yếu thế và thực hiện các hoạt động chống lãng phí thực phẩm.

Kho hàng có diện tích khoảng 300 m2 tại địa chỉ số 10b đường số 2 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), chứa đa dạng các loại sản phẩm với sản lượng khoảng 500 tấn/tháng. Hệ thống kho bao gồm không gian chứa thực phẩm khô, kho đóng gói và kho trữ lạnh, trữ đông. Việc xây dựng kho nhằm giải quyết phần nào nghịch lý thực phẩm thừa, thiếu trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người vô gia cư, người già neo đơn, người thất nghiệp, trẻ em mồ côi, người khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Đây là địa chỉ thu-nhận, phân loại và bảo quản thực phẩm bảo đảm chất lượng, sau đó được phân loại, vận chuyển đến các mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, các tổ chức thiện nguyện nuôi dạy trẻ để cung cấp cho người khó khăn đang cần. Nguồn thực phẩm nhập về kho đến từ doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, nhà hàng, nông trại khắp cả nước. 

Là một tổ chức phi lợi nhuận ra đời vào năm 2016, FoodBank Việt Nam hiện nằm trong mạng lưới toàn cầu với 53 nước thành viên. Từ đợt dịch Covid-19 thứ tư ở TP Hồ Chí Minh hồi tháng 5/2021, FoodBank Việt Nam đã hoạt động với nhiệm vụ trung gian thu nhận thực phẩm của các nhà tài trợ chuyển đến tay người cần. Song song với đó, luôn đi đầu trong các phong trào hỗ trợ, phòng, chống dịch như “Bệnh viện tại nhà”, “Xe cấp cứu 0 đồng”, “Nhà hàng dã chiến“, “Bếp yêu thương”, “Tủ lạnh 0 đồng”, “Xe di động phát cơm miễn phí”, “Khách sạn cộng đồng”, “Siêu thị chia sẻ”... cung cấp hàng triệu suất ăn miễn phí, vận chuyển hàng triệu tấn thực phẩm cho người khó khăn trên khắp cả nước. 

Được biết, sau kho hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, mạng lưới kho thực phẩm sẽ được mở rộng ở các địa phương tiếp theo là Đồng Nai, Bến Tre và Hà Nội. Hiện, kho đang vận động các siêu thị, nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp trên cả nước ký cam kết chống lãng phí thực phẩm, tham gia các hoạt động hỗ trợ thực phẩm, bán trợ giá cho người khó khăn. Về tương lai, khi FoodBank Việt Nam có hệ thống kho bãi đủ lớn sẽ thu mua các loại nông sản trong thời điểm dư nguồn cung để giúp nông dân không bị ép giá và đưa nguồn thực phẩm này đến các nơi cần khác.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), 1/3 thực phẩm trên thế giới bị hư hỏng hoặc bỏ đi trong quá trình vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, khoảng 37% thực phẩm có nguồn gốc động vật và 20% có nguồn gốc thực vật bị vứt bỏ sau khi đến tay người dùng, gây thiệt hại đến 940 tỷ USD/năm. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước giàu do thực phẩm ở đây có hạn sử dụng ngắn và người dân không có kế hoạch chi tiêu. Hiện có đến 132 triệu người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng vì đại dịch Covid-19