Đà Nẵng miễn tiền thuê nhà cho hộ nghèo

Sau khi miễn tiền sử dụng diện tích bán hàng trong vòng sáu tháng cho các hộ kinh doanh tại chợ truyền thống trên địa bàn, sắp tới UBND TP Đà Nẵng sẽ xét duyệt hỗ trợ miễn tiền thuê nhà cho các hộ chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, sinh viên tại ký túc xá không có nguồn thu nhập, chi trả tiền sinh hoạt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một dự án nhà ở xã hội ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Một dự án nhà ở xã hội ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Các hộ dân ở chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước chủ yếu là hộ nghèo, khó khăn, lao động chân tay không có việc làm ổn định, thất nghiệp, nhận trợ cấp xã hội. Học sinh - sinh viên đang lưu trú tại hai ký túc xá phía đông và phía tây cũng chịu ảnh hưởng do thời gian qua phải di dời để trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.

Cụ thể, hỗ trợ miễn tiền thuê nhà một tháng (tháng 8/2021) cho các đối tượng thuê nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước). Tổng số tiền miễn khoảng 2,69 tỷ đồng.

Hỗ trợ miễn tiền thuê nhà một tháng (tháng 8/2021) cho khoảng 626 học sinh - sinh viên đang lưu trú tại các khu ký túc xá từ nguồn thu tiền thuê nhà trích nộp ngân sách nhà nước trong tháng 8/2021. Tổng số tiền miễn khoảng 77,3 triệu đồng.

Được biết, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng đã tuyên truyền, vận động, kêu gọi các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê trọ cho người dân, công nhân và sinh viên gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, có 2.030 chủ nhà trọ, cơ sở lưu trú miễn giảm với tổng số tiền 5,2 tỷ đồng. Quận Liên Chiểu là địa phương có số lượng công nhân, sinh viên thuê trọ lớn nhất TP Đà Nẵng, đặc biệt là phường Hòa Khánh Bắc. Trước tình hình khó khăn chung do dịch Covid-19, phường Hòa Khánh Bắc đã vận động 475 chủ nhà trọ (hơn 2.800 phòng) giảm giá thuê cho công nhân, sinh viên với tổng số tiền gần 1 tỷ 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngoài lương thực, thực phẩm do phường hỗ trợ, các chủ nhà trọ còn phối hợp với Tổ công nhân tự quản vận động các nhà hảo tâm tặng hàng trăm suất quà cho các trường hợp công nhân, sinh viên thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn khác.

Trước đó, TP Đà Nẵng đã miễn 100% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho tất cả các hộ cố định và không cố định (hộ hàng rong) đang kinh doanh, buôn bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn (không phân biệt ngành hàng) trong sáu tháng. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã có tờ trình gửi HĐND đề xuất chính sách hỗ trợ và chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn. Việc này nhằm ổn định cuộc sống cho các hộ dân nhặt rác sau khi thành phố đóng ô chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, thành phố sẽ giải quyết chu đáo, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề, ổn định sinh kế cho người dân trước khi quyết định đóng cửa vĩnh viễn các hộc chôn lấp rác (dự kiến vào tháng 6/2022).

UBND TP Đà Nẵng đề xuất hỗ trợ vốn làm ăn ban đầu để chuyển đổi ngành nghề cho 182 hộ (mỗi hộ 20 triệu đồng), tổng mức hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng. Về hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, lãi suất cho vay bằng lãi suất vay ưu đãi đối với hộ nghèo. Trong đó, người vay vốn trả 50% lãi suất, UBND thành phố hỗ trợ 50% tiền lãi trong thời gian được vay vốn. Mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/lao động. Để bảo đảm điều kiện được hỗ trợ, các hộ phải cam kết không còn đến nhặt rác tại bãi Khánh Sơn.