Bảo vệ cây Hà Nội

Dù cây xanh vẫn tạo nên vẻ mộng mơ cho Hà Nội, nhưng dưới bóng mát của chúng lại là những vấn đề đáng lo ngại. Bã chè, túi rác, sỏi đá, đinh sắt… đang tạo ra một bức tranh không tươi đẹp dưới bóng xanh mướt mắt của Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Gốc cây trở thành điểm vứt rác gây mất mỹ quan đô thị.
Gốc cây trở thành điểm vứt rác gây mất mỹ quan đô thị.

Đại diện cho “lá phổi xanh” Hà Nội là những loài cây lâu năm xếp thành hàng tăm tắp, trải dọc bên đường, từ những cây phổ biến như xà cừ, sấu, phượng… cho đến những loài hiếm hơn như giáng hương, long não, lộc vừng… Hà Nội hiện đang có hơn 1,7 triệu cây xanh theo số liệu thống kê từ Sở Xây dựng. Thành phố đã và đang có nhiều dự án trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó có việc trồng cây xanh tại các khu vực giao thông chính, công viên vườn hoa và các quận, huyện như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đó, còn tồn tại nhiều hạn chế liên quan đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ sự phát triển của cây.

Bảo vệ cây Hà Nội ảnh 1

Các loại vật liệu xây dựng đổ đống dưới gốc cây trên tuyến đường Bưởi.

Muôn kiểu làm bẩn, làm xấu cây xanh

Trên nhiều tuyến phố, từ điểm đón nhiều khách du lịch như phố cổ, hay tuyến phố Ngọc Hà sát vườn Bách thảo cho đến các quận như Long Biên, Hà Đông…, không khó để bắt gặp cảnh tượng cây xanh bị “bao vây” giữa các túi nylon, chai lọ, giấy ăn và nhiều loại rác thải sinh hoạt khác. Tại các khu phố ẩm thực như Tô Hiệu, Tống Duy Tân, cây xanh trước cửa mỗi hàng quán nghiễm nhiên đều trở thành nơi tập kết rác, như vỏ trứng, túi nylon xanh đỏ, thực phẩm thừa, rau, củ bắt đầu phân hủy và bốc mùi hôi thối.

Vì sao người dân vứt rác quanh gốc cây thay vì đem ra điểm tập kết của khu phố? - Chị Trần Thùy Dương (46 tuổi, đường Tô Hiệu), cho biết: Nhiều khi tôi cũng không để ý, cứ tiện tay là vứt, nói chung là vì điểm tập kết rác ở cách xa nhà và mọi người đều để rác ở đây nên tôi cũng để theo thôi. Chỉ với suy nghĩ chỗ nào “tiện” là vứt, đã khiến người dân hình thành nên một thói quen xấu. Cả bã chè, nước rửa chén bát cũng bị các hàng nước, quán ăn thản nhiên hắt xuống gốc cây. Những vũng nước bẩn tanh hôi ngập úng quanh gốc cây, thu hút ruồi nhặng, là nơi lý tưởng để muỗi và nhiều côn trùng khác sinh sôi. Anh Phong (37 tuổi, bán hoa quả tại chợ Long Biên) nói: Cũng khó kiểm soát vì nhiều người vứt chứ không phải chỉ một người, tôi cũng hay vứt ở gốc cây này cho tiện rồi tối tôi dọn, mà tôi không dọn thì cũng có người dọn vệ sinh môi trường đi thu gom thôi. Nói chung ai cũng nghĩ thế nên họ cứ vứt ở đây.

Một trường hợp khác tại khu vực các công trường đang thi công, có thể kể đến như đoạn đường Âu Cơ - Nghi Tàm đang nằm trong dự án mở rộng đường, vật liệu xây dựng như gạch, đá, cát, sỏi đổ đống dưới gốc cây, có những đoạn đường cây xanh gần như bị vùi lấp bởi đất và sỏi, thân cây không thể phát triển, cây còi cọc, xơ xác.

Thêm vào đó, tại các khu chợ hay trước cửa các hàng quán, điển hình như khu vực đường Trần Đăng Ninh và chợ Nghĩa Tân, cây xanh bị đóng đinh, khoan lỗ, đóng các móc treo biển hiệu, nhiều cây to người ta treo chi chít đến 4-5 biển hiệu to nhỏ các loại. Hàng loạt giấy tìm thú cưng, quảng cáo khoan cắt bê-tông... cũng dán khắp nhiều thân cây. Hàng cây đang sạch sẽ nay bỗng trở nên thật “nhếch nhác”. Lại phải kể thêm việc nhiều người dùng dây thừng, dây điện, đèn led quấn từ gốc lên tới ngọn cây. Hỏi một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân về thực trạng cây xanh bị “siết” như hiện nay, Bác Diên (57 tuổi, bán đồ gia dụng) cho biết: “Không cứ gì chỗ này, hầu như chỗ nào bây giờ cũng đóng đinh lên cây hết, thậm chí còn quấn dây điện quanh cây”.

Bảo vệ cây Hà Nội ảnh 2

Các loại rác thải chung quanh gốc cây trên đoạn đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy.

Làm gì để mọi người tôn trọng “lá phổi xanh”?

Hầu như ai cũng hiểu thế nào là sai, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và sự phát triển của cây. Thậm chí bác Diên còn thừa nhận việc đóng đinh lên thân cây sẽ khiến cây xanh bị “đau”, thế nhưng vì công việc buôn bán cần tận dụng tối đa không gian để bày hàng, vả lại nhiều người đều làm như vậy chứ không riêng cá nhân nào nên cũng không sợ bị phạt.

Thực trạng đáng buồn này là hệ quả của nhiều nguyên nhân, từ ý thức kém của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sự thiếu quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đến việc thiếu giải pháp đồng bộ trong việc trồng và chăm sóc cây xanh. Hậu quả là nhiều cây xanh bị “bức tử”, khiến cho không khí trở nên ô nhiễm hơn, chính những gốc cây lại là nơi tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch từ các loại bọ và côn trùng sống trong rác thải và nước bẩn. Không gian, cảnh quan trở nên tù đọng, thiếu sức sống.

Để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu là cây xanh trong thành phố, cần có sự can thiệp quyết định và hiệu quả từ các cơ quan chức năng. Ý kiến này được phản ánh từ nhiều người dân. “Chính sách cụ thể và rõ ràng từ chính quyền sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ cây xanh. Nếu có hướng dẫn rõ ràng, chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện và tuân thủ các quy định”, ông Trần Văn Nam, một cư dân sống gần khu vực cây xanh địa bàn quận Hoàn Kiếm, chia sẻ.

Cùng với đó, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng là việc làm không thể thiếu. Bạn Thân Minh Nguyệt, sinh viên Trường đại học Lao động và Xã hội cho rằng: “Tham gia vào các hoạt động vì môi trường không chỉ giúp chúng mình phát triển kỹ năng, mà còn giúp tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Hy vọng rằng, thông qua những hoạt động tình nguyện, chúng ta có thể lan tỏa ý thức về việc giữ gìn môi trường đến tất cả mọi người trong xã hội”.

Tại các công viên như Công viên Cầu Giấy hay bồn hoa khu vực ngã tư Nguyễn Văn Huyên giao Nguyễn Khánh Toàn, người dân thản nhiên dắt thú cưng đi dạo và phóng uế lên đó dù ngay bên cạnh là biển cấm.