Tăng giá điện

Bài toán điều hành kinh tế vĩ mô

Phần lớn khách hàng sử dụng điện đang đặt ra câu hỏi: Giá điện còn tăng đến bao giờ? Việc tăng giá bán bình quân 3% được áp dụng từ ngày 4/5/2023 nhằm thực hiện mục tiêu cơ bản xuyên suốt về tăng giá điện. Đó là, mức tăng giá điện dần phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Đồng thời, vừa đáp ứng được các mục tiêu của Chính sách Năng lượng Quốc gia, vừa khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cho các hộ sản xuất thuộc làng nghề dệt huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: NGỌC HÀ
Tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cho các hộ sản xuất thuộc làng nghề dệt huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: NGỌC HÀ

Hệ lụy từ việc mất cân đối dòng tiền

Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Mặc dù đã nỗ lực tối đa để giảm chi phí, nhưng các giải pháp đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện (do các thông số đầu vào tăng mạnh, như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới và các chi phí mua điện tăng thêm khi có thêm nhà máy điện tham gia thị trường điện) khiến EVN lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá). Còn theo công bố ngày 31/3/2023 của Bộ Công thương, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện năm 2022 cho thấy, EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng.

Dự báo, trong năm 2023, EVN sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn trong bảo đảm cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, áp lực cân đối tài chính do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào (như giá nhiên liệu, tỷ giá...).

Theo EVN, nếu giá bán lẻ điện vẫn tiếp tục áp dụng theo Quyết định 648/QĐ-BCT (tháng 3/2019), đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản; việc sản xuất, kinh doanh trong năm này của EVN, các tổng công ty điện lực và tổng công ty truyền tải điện dự kiến sẽ tiếp tục bị lỗ khoảng 64.941 tỷ đồng. Trong đó, riêng sáu tháng đầu năm dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và sáu tháng cuối năm con số lỗ dự kiến là 20.842 tỷ đồng.

Việc mất cân đối dòng tiền trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nếu các nhà máy điện tiếp tục không nhận được tiền bán điện, dù vẫn bán điện lên lưới và nếu các nhà cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho phát điện không nhận được thanh toán tiền nợ, các nhà máy điện có thể phải dừng sản xuất cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, vì bản thân các nhà máy này không có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất điện ngoài nguồn thu tiền điện duy nhất từ EVN. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới việc bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP theo kế hoạch.

Do không được Nhà nước bảo lãnh để vay vốn, trong bối cảnh đang bị lỗ, EVN không thể tiếp tục vay vốn để đầu tư phát triển các dự án mới, trong khi bình quân hằng năm ngành điện cần khoảng 10,4-14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đầu tư phát triển nguồn điện từ 8,9-12,6 tỷ USD và lưới truyền tải điện từ 1,5-1,6 tỷ USD (dự thảo Quy hoạch điện VIII). Và nếu không có nguồn điện mới để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như gây ra một số hệ lụy về dân sinh.

Không vượt khả năng của người tiêu dùng

Giá điện thường là vấn đề rất nhạy cảm. Vì vậy, mặc dù giá thành sản xuất điện tăng do giá than, khí và dầu tăng, nhưng giá điện bán lẻ cả cho sinh hoạt, sản xuất được giữ không tăng giá trong hơn bốn năm, từ tháng 3/2019 đến 5/2023 nhằm ổn định kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Trong các năm 2020 và 2021, EVN còn trực tiếp giảm giá điện, giảm tiền điện trong năm đợt với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong dịch Covid-19.

Với việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51-100kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 101-200kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất; tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Từ tháng 5/2023, nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tăng mạnh về cường độ và mở rộng về phạm vi ảnh hưởng, số ngày nắng nóng dự báo sẽ nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, nhu cầu tiêu thụ điện của miền bắc và cả nước được dự báo cũng sẽ tăng mạnh. Việc tăng giá bán bình quân 3% thực chất tác động không lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nhưng nhu cầu sử dụng điện tăng cao, kết hợp tăng giá bán bình quân sẽ không tránh được việc hóa đơn tiền điện tăng cao.

Tính đến lạm phát, sức chống chịu của nền kinh tế

Với mức tăng giá bán lẻ bình quân 3%, tác động sẽ không lớn, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng vòng 1 trực tiếp là 0,099% và vòng 2 tăng 0,18%. Nếu tính tác động tới giá thành các nhà sản xuất dùng điện nhiều như với sản xuất thép, giá thành tăng 0,18%; giá thành sản xuất xi-măng tăng 0,45%; giá thành sản xuất giấy tăng 0,4%. Trong cơ cấu khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá điện, mỗi hộ sẽ trả thêm 141.000 đồng/tháng. Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi hộ này trả 10,6 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá, mỗi hộ trả thêm 307.000 đồng/tháng. Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng này trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá, mỗi hộ này sẽ trả thêm 40.000 đồng/tháng.

Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, chu kỳ sản xuất ngay sau khi giá điện tăng sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng và chỉ số giá sản xuất tăng. Nếu doanh nghiệp không thể tăng giá và chấp nhận làm giảm giá trị tăng thêm (cắt giảm lao động, giảm lương hoặc giảm lợi nhuận) sẽ khiến GDP ở chu kỳ sản xuất sau giảm. Trường hợp này không ảnh hưởng tới giá sản xuất, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến CPI. Điều cần lưu ý hơn cả là tiêu dùng phụ thuộc nghịch biến với giá cả và đồng biến với thu nhập, nên khi thu nhập giảm (GDP giảm) sẽ ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng, như vậy ở chu kỳ sản xuất tiếp theo sẽ làm giảm sản xuất và tổng giá trị tăng thêm (hoặc GDP). Tuy nhiên, do việc tăng giá bán lẻ bình quân chỉ ở mức 3% nên tác động CPI rất nhỏ và tác động của tăng giá điện lên lạm phát là khá thấp. Nguyên nhân là, chi phí tiền điện chỉ chiếm 2,5% giỏ hàng tiêu dùng, mặc dù tác động đó có thể còn lan truyền đôi chút sang các loại hàng hóa và dịch vụ khác có tiêu thụ điện trong sản xuất.

Đối với tăng trưởng GDP, hiện có hai hiệu ứng: Một mặt, giá điện tăng sẽ giúp các công ty sản xuất điện cải thiện tình hình tài chính. Mặt khác, giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhất là những ngành tiêu thụ nhiều điện năng. Các ngành này sẽ chịu một số tác động ngắn hạn, nhưng về lâu dài, tăng giá điện sẽ buộc khách hàng điều chỉnh cách sử dụng điện của mình. Họ sẽ chuyển sang sử dụng điện lệch giờ cao điểm để được hưởng giá thấp hơn, hay áp dụng các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện. Như vậy sẽ góp phần tăng năng suất lao động.

Việc điều chỉnh tăng giá bán bình quân 3%, sẽ tăng doanh thu trong tám tháng còn lại của năm 2023, ước đạt 8.000 tỷ đồng. Với mức tăng như vậy, chỉ giúp EVN giảm bớt một phần nhỏ áp lực về tài chính, nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát vẫn được kiềm chế.

Mô hình cấp vốn ngành điện trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào đầu tư công, nhưng hiện nay sẽ không khả thi do Chính phủ không tiếp tục bảo lãnh cho EVN đi vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế. Chiến lược chung về giá điện của Bộ Công thương là bảo đảm cho EVN có đủ lãi để bù đắp đủ chi phí hoạt động và hoàn trả vốn vay. Nhu cầu vốn đầu tư của EVN và ngành điện rất lớn, song chưa thể hiện trong giá điện. Vậy nên, cái khó của EVN cũng như ngành điện là làm sao thu hút được vốn thương mại và sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, do vậy, tăng cường tiết kiệm sử dụng điện là cách rẻ tiền nhất để tránh phải nâng công suất phát điện trong tình hình nhu cầu sử dụng điện tăng cao.