Bài 1: Tràn lan chung cư mini “không lối thoát” và những bất cập

NDO - Sau vụ cháy chung cư mini (CCMN) thảm khốc ở số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nhiều địa phương trong cả nước mới bắt đầu tổng rà soát và đánh giá về loại hình nhà ở này. Ði thực tế ở một số phường ở Thủ đô, tận thấy tràn lan CCMN biến tướng, giật mình vì hầu như tất cả đều không có lối thoát hiểm, điều này có nguyên nhân từ những bất cập, buông lỏng về quản lý và tình trạng “phạt cho tồn tại”.
0:00 / 0:00
0:00
Ngôi nhà xây sai phép ở phường Trung Văn.
Ngôi nhà xây sai phép ở phường Trung Văn.

Tận thấy chung cư mini biến tướng

Với vị trí gần hàng chục trường đại học như Đại học Kiến trúc, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn... cùng nhiều trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp..., Phùng Khoang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trở thành “điểm tập kết” của hàng nghìn sinh viên. Có cầu ắt có cung, nơi đây dịch vụ nhà cho thuê nở rộ, trong đó có nhiều CCMN. Điều đáng nói là trên địa bàn này, có không ít CCMN xây dựng sai phép, không bảo đảm các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Trước mặt tôi là tòa nhà số 14, ngõ 137 Phùng Khoang cao 8 tầng chuyên cho thuê. Trong vai một người tìm nhà trọ, tôi đi vào bên trong CCMN này và giật mình vì thấy la liệt xe máy ở tầng 1. Với rất nhiều căn hộ nhỏ cho thuê, trong một khoảng không gian chật hẹp nhưng không có cầu thang thoát hiểm. Nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn do chập cháy từ tầng 1 thì những người thuê trọ sẽ thoát ra bằng cách nào? Có thể khẳng định, sẽ không có lối thoát hiểm an toàn trong tòa nhà này.

Cư dân phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm từ lâu đã bức xúc vì tòa nhà xây dựng sai phép này. Theo thông tin chúng tôi có được, căn nhà này được cấp phép xây dựng với nội dung: Mật độ xây dựng là 79,4% , hệ số sử dụng đất là 5,4 lần, tầng hầm và các tầng 2-5 là 84,2m2, tầng 1 là 72,2m2, tầng lửng là 46,9m2, tầng tum là 25m2, chiều cao công trình 19,8m, số tầng 5 tầng. Người dân ở đây cho biết, căn nhà đã xây sai nghiêm trọng so với giấy phép xây dựng. Đơn cử về mật độ, chủ nhà đã xây dựng 100% mật độ từ tầng hầm (106m2) đến tầng 3, từ tầng 4 trở lên đua ra thành 120m2 sàn. Tầng 8, chủ nhà đã lợp tôn toàn bộ mái làm phòng ở cho nhân viên, khu giặt là và phơi đồ.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết phường đang tiến hành tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình chung cư; nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là CCMN); cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Tòa nhà số 14, ngõ 137 Phùng Khoang nằm trong diện kiểm tra, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, có thể phải cưỡng chế để “cắt ngọn” số tầng vượt giấy phép xây dựng.

Trong con ngõ sâu hun hút của phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng thuộc quận Đống Đa, có nhiều nhà ở dưới dạng CCMN cho thuê đều chung một đặc điểm: tầng 1 để xe máy, xe đạp điện, những tầng trên gồm các căn hộ với hàng chục, thậm chí cả trăm người ở nhưng không có lối thoát hiểm.

Dương Quỳnh Trang, sinh viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Sau vụ cháy CCMN phố Khương Hạ làm 56 người tử vong và 37 người bị thương, em nhận thấy CCMN mình đang ở cũng không khác gì nơi đó, ngộ nhỡ nếu chẳng may xảy ra chập cháy xe máy ở tầng 1 thì những người ở các tầng trên không biết thoát bằng cách nào. CCMN này hầu như không có một biện pháp nào để bảo đảm an toàn PCCC”.

Con ngõ nhỏ nhưng phải “cõng” những tòa CCMN cao tầng, với mật độ người ở rất đông trong khu phố Pháo Đài Láng đã quá chật chội lại tăng thêm áp lực về hạ tầng. Nếu xảy ra cháy, xe cứu hỏa sẽ không thể đi vào trong ngõ sâu này.

Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, toàn quận hiện có 1.881 cơ sở kinh doanh cho thuê trọ với 9.170 hộ đang thuê trọ và 65 CCMN với hơn 1.700 hộ dân đang sinh sống. Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các cơ sở này không bảo đảm về công tác PCCC, không bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các công trình chung quanh và gần như tất cả đều không có lối thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn.

Một số hộ dân cũng chủ động cắt bỏ hệ thống khung sắt, “chuồng cọp” để mở lối thoát hiểm phòng khi có hỏa hoạn xảy ra. Ở “thủ phủ” nhà cho thuê Trung Văn, các dịch vụ lắp đặt cầu thang thoát hiểm luôn trong tình trạng quá tải, những mặt hàng như thang dây, mặt nạ phòng độc hay bình chữa cháy trở nên đắt khách. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng khuyến cáo, việc lắp thêm thang thoát hiểm cần bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Sau vụ cháy thảm khốc ở Khương Hạ, UBND thành phố Hà Nội ra công điện yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổng kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trên địa bàn, đặc biệt là CCMN, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC theo quy định của pháp luật, yêu cầu, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ cơ sở khắc phục ngay các tồn tại vi phạm về PCCC, báo cáo thành phố trước ngày 30/10.

Thông tin về kết quả từ cuộc tổng kiểm tra còn phải chờ nhưng theo thống kê của ngành điện: Hà Nội có khoảng 2.000 CCMN. Đáng lưu ý, hầu hết những dự án CCMN chủ đầu tư đều là những cá nhân, hộ gia đình riêng lẻ, xây dựng trên diện tích đất từ 100 - 300m2 và nằm sâu trong các ngõ phố, giữa khu vực dân cư sinh sống đông đúc, nơi mà xe cứu hỏa, xe cứu thương không thể tiếp cận trực tiếp.

TP Hồ Chí Minh có khoảng 42.200 nhà trọ cho thuê kiểu “chung cư mini” tiềm ẩn nhiều rủi ro về PCCC. Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết nguy hiểm nhất là các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe và không được thiết kế lắp đặt hệ thống PCCC và giải pháp an toàn, dễ xảy ra các vụ cháy. Nếu cháy xuất phát từ hầm giữ xe sẽ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Những bất cập từ quản lý

Ông Nguyễn Quách Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Hiện nay CCMN có nhiều “biến tướng” về xây dựng sai cách, xây dựng không phép. Về trách nhiệm quản lý nhà nước, hiện nay CCMN đang được quản lý trật tự xây dựng theo kiểu nhà ở riêng lẻ. Theo Luật Nhà ở, chỉ có 2 loại nhà ở trong đó có nhà ở riêng lẻ, nhà ở liền kề và thứ hai là chung cư. Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, trong đó có nhiều căn hộ, phòng ở khép kín, có lối đi hành lang chung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ bao gồm cả PCCC. Nhà ở riêng lẻ với quy mô dưới 7 tầng giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi công, giám sát công trình. Theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 15 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, nội dung cấp phép nhà ở riêng lẻ cũng như quản lý trật tự xây dựng thuộc về trách nhiệm của UBND các cấp”.

Thực tế cho thấy, chủ đầu tư thường xin giấy phép nhà ở riêng lẻ nhưng sau đó xây dựng dựng sai phép, vượt tầng, biến thành CCMN. Đó chính là câu chuyện của CCMN bị cháy tại Khương Hạ hôm 13/9 vừa qua. Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ do UBND quận Thanh Xuân cấp đối với công trình này được xây 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật; mật độ xây dựng là 70%. Song thực tế tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn, mật độ xây dựng là 100% với 10 tầng trong đó có 1 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tum. Mặc dù đã có văn bản yêu cầu cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2015 nhưng không hiểu sao CCMN này vẫn ngang nhiên tồn tại?

Liệu có tình trạng các cấp chính quyền từ UBND phường, quận ra quyết định xử phạt nhưng lại là “phạt cho tồn tại”, hợp thức hóa sai phạm của chủ đầu tư? Thực tế cho thấy việc “phạt cho tồn tại”, cưỡng chế “trên văn bản” từ lâu đã là tình trạng chung của không ít địa phương. Các khu vực đô thị của một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Việc này kéo theo nguy cơ mất an toàn PCCC luôn thường trực. Bởi vì với loại hình CCMN đội lốt nhà ở riêng lẻ không cần phải thẩm duyệt PCCC.

Trung tá Lê Minh Hải, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, CCMN biến tướng, trước được xây dựng ở riêng lẻ sau đó chuyển đổi cho thuê và bán lại, còn nhiều vấn đề an toàn về phòng cháy, chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Đối với loại hình này, lối thoát nạn rất nan giải, đặc biệt việc bố trí cầu thang trong nhà, tại tầng 1, tầng hầm sử dụng để xe, có phòng công năng khác như phòng để máy phát điện, hoặc là phòng để kỹ thuật điện... nên khi xảy ra cháy nổ thì khói sẽ cháy lan, người phía trên ngạt khói và nguy cơ tử vong. Việc triển khai công tác cứu nạn đều khó khăn”.

Box : Mới đây Hà Nội đã phát hiện một chung cư mini gần 200 phòng tại huyện Thạch Thất, Hà Nội được chính quyền cấp phép xây 3 tầng, 1 tum nhưng chủ đầu tư cho làm tới 9 tầng.

Tòa nhà trên được ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất ký cấp phép xây dựng vào ngày 17-4-2023. Theo giấy phép, đây là công trình nhà ở riêng lẻ, tại thửa đất số 152, tờ bản đồ số 14 (thôn 1, xã Tân Xã), có diện tích 726,5 m2, chính quyền huyện Thạch Thất cấp phép xây 3 tầng và 1 tum.

Trong đó, diện tích xây dựng tầng 1 là hơn 150 m2. Tổng diện tích sàn gần 492 m2. Mật độ xây dựng toàn thửa đất là 20,7%. Tuy nhiên, đến nay, tòa nhà trên đã hoàn thiện, trở thành chung cư mini với quy mô 9 tầng, gần 200 căn hộ.