AUKUS công bố thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân

Các nhà lãnh đạo Australia, Anh và Mỹ vừa chính thức công bố kế hoạch trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Đây là dự án lớn đầu tiên trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác an ninh ba bên, còn gọi là AUKUS, mà ba nước ký kết hồi tháng 9/2021.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà lãnh đạo Australia, Mỹ và Anh (trái sang) tại lễ công bố thỏa thuận tàu ngầm của AUKUS. Ảnh: GETTY IMAGES
Các nhà lãnh đạo Australia, Mỹ và Anh (trái sang) tại lễ công bố thỏa thuận tàu ngầm của AUKUS. Ảnh: GETTY IMAGES

Thỏa thuận lịch sử

Lễ công bố thỏa thuận tàu ngầm của AUKUS được tổ chức ngày 14/3, tại căn cứ hải quân Point Loma, thành phố San Diego của Mỹ, với sự tham dự của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh đây là thỏa thuận lịch sử, đánh dấu chương mới trong hợp tác quốc phòng, an ninh giữa ba nước.

Thủ tướng Albanese cho biết, thỏa thuận tàu ngầm AUKUS là khoản đầu tư quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Australia. Thủ tướng Sunak đánh giá thỏa thuận là minh chứng cho mối quan hệ đối tác quốc phòng đa phương quan trọng. Tổng thống Biden gọi thỏa thuận là một phần trong cam kết hướng đến mục tiêu khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Theo thỏa thuận, Australia sẽ mua ba tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ từ năm 2030 và cân nhắc mua thêm hai tàu loại này khi cần thiết. Sau đó, Australia đặt mục tiêu chế tạo tám tàu ngầm thế hệ mới, có tên là SSN AUKUS, dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh. Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Australia sẽ được cung cấp cho hải quân nước này vào năm 2042. Australia dự kiến từ nay đến năm 2050 sẽ chi khoảng 368 tỷ AUD cho các dự án mua, chế tạo và vận hành các tàu ngầm hạt nhân.

Australia khẳng định, việc trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm củng cố an ninh quốc gia, nâng cao khả năng phòng thủ và bảo đảm sự ổn định trong khu vực. Thủ tướng Albanese nêu rõ: Đây là khoản đầu tư lớn nhất cho năng lực quốc phòng của Australia, nhằm củng cố an ninh quốc gia, ổn định khu vực và phát triển ngành chế tạo, tăng năng lực phòng thủ đất nước.

Giải tỏa lo ngại

Dự án tàu ngầm lịch sử của AUKUS vấp phải sự nghi ngại, thậm chí phản đối từ một số nước trong khu vực, với lý do lo ngại Australia có thể trang bị vũ khí hạt nhân trên những con tàu này. Để trấn an những ý kiến lo ngại, Thủ tướng Albanese khẳng định Australia tuân thủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước Rarotonga về khu vực Nam Thái Bình Dương không vũ khí hạt nhân.

Tại lễ công bố thỏa thuận, các nhà lãnh đạo ba nước đều khẳng định mạnh mẽ rằng, các tàu ngầm thuộc dự án AUKUS chạy bằng năng lượng hạt nhân và không được trang bị bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào. Các bên cũng cam kết rằng, tham gia thỏa thuận AUKUS, Australia vẫn duy trì là quốc gia không phổ biến vũ khí hạt nhân, không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết trong NPT, Hiệp ước Rarotonga, cũng như các văn kiện, thỏa thuận Australia đã ký với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS, Australia không làm giàu urani hoặc tái chế nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, không tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các tàu ngầm SSN AUKUS. Anh và Mỹ cung cấp cho Australia toàn bộ vật liệu hạt nhân. Australia cam kết quản lý an toàn công nghệ, quản lý chất thải phóng xạ, gồm cả nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Australia.

Trong khi đó, IAEA cho rằng cần bảo đảm thỏa thuận AUKUS không gây ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng thúc đẩy tính minh bạch và xây dựng lòng tin giữa các nước, kiềm chế hành động có khả năng gây ra chạy đua vũ trang, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh khu vực.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên trang mạng của bộ này ngày 14/3 nêu rõ: Bắc Kinh kêu gọi các thành viên AUKUS lưu ý quan điểm của cộng đồng quốc tế, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng xấu tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Hãng tin Nga TASS dẫn bình luận của người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng, thỏa thuận AUKUS vừa công bố đặt ra những câu hỏi liên quan vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, cần được các bên giải đáp.