Anh cân nhắc rút khỏi Công ước châu Âu về Nhân quyền

Thủ tướng Anh Rishi Sunak để ngỏ khả năng “xứ sương mù” rút khỏi Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR), nếu vị trí thành viên của ECHR cản trở kế hoạch ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Anh vốn tăng mạnh thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Rishi Sunak phát biểu ý kiến tại Hạ viện Anh. Ảnh: THE TIMES
Thủ tướng Rishi Sunak phát biểu ý kiến tại Hạ viện Anh. Ảnh: THE TIMES

Tuyên bố cứng rắn

Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định rằng, việc ngăn chặn và xử lý làn sóng nhập cư trái phép vào Anh quan trọng hơn tư cách thành viên của ECHR. Đây được coi là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Thủ tướng Sunak về khả năng Anh rời ECHR, nếu các nghị sĩ cánh hữu trong Hạ viện Anh và các thành viên Tòa án Nhân quyền châu Âu tiếp tục cản trở kế hoạch của London về trục xuất người nhập cư trái phép sang Rwanda hoặc một nước tiếp nhận thứ ba. Sau tuyên bố của Thủ tướng Sunak, cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Sarah Dines nhận định, Anh sẽ không thể ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng, nhất là dòng người tràn vào nước này qua eo biển Manche nối liền với Pháp, nếu không rời khỏi ECHR.

Theo cựu Bộ trưởng Dines, Anh phải chi 8 triệu bảng (10,1 triệu USD) mỗi ngày để bảo đảm ăn ở, sinh hoạt cho những người vượt biên trái phép vào nước này. Trong hai năm tới, Anh sẽ tiêu tốn 6 tỷ bảng cho số người nhập cư bất hợp pháp nếu họ chưa được chuyển đến Rwanda hoặc một nước tiếp nhận thứ ba. Đây không phải lần đầu Chính phủ Anh dọa rút khỏi ECHR. Trước đó, trong các năm 2015 và 2016, hai Thủ tướng Anh vào thời điểm đó là ông David Cameron và bà Theresa May cũng từng đe dọa sẽ rời ECHR nếu việc ở lại không mang lại lợi ích cho đất nước.

Thủ tướng Sunak từng đưa ra 5 cam kết mạnh mẽ với cử tri nước này, trong đó trọng tâm là ngăn chặn những con thuyền chở người di cư nhập cảnh trái phép vào Anh. Để triển khai kế hoạch này, Chính phủ của Thủ tướng Sunak đã xây dựng một dự luật để trục xuất những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh từ ngày 1/1/2022 đến Rwanda, đồng thời ký một hiệp ước với quốc gia châu Phi này để bảo đảm không có bất kỳ người xin tị nạn nào bị đưa trở lại đất nước mà họ xuất phát ban đầu.

Làn sóng nhập cư tăng mạnh

Trong ba tháng đầu năm 2024, số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Anh qua eo biển Manche tăng cao kỷ lục với 5.435 người, tăng 43% so cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Bộ Nội vụ Anh cho thấy, số người vượt biên theo đường biển vào Anh lần đầu vượt 5.000 người trong quý I/2024, cao hơn 20% so cùng kỳ năm 2022 - năm ghi nhận số người vượt biên cao nhất vào Anh. Phản ứng trước số liệu cập nhật về người nhập cư trái phép vừa được công bố, Bộ Nội vụ Anh khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Pháp, nhằm ngăn chặn dòng người liều lĩnh vượt qua eo biển Manche đầy rẫy nguy hiểm.

Bên cạnh việc phải chi nhiều tiền ngân sách, Chính phủ Anh cũng đau đầu với bài toán cơ sở hạ tầng không đủ chỗ lưu trú tạm thời cho số lượng người nhập cư không ngừng gia tăng. Đạo luật Di cư bất hợp pháp quy định trục xuất bất kỳ người nào đến Anh khi không được chính phủ nước này cho phép và họ sẽ bị giam giữ 28 ngày trước khi phải rời khỏi lãnh thổ Anh. Tuy nhiên, điều khoản này vẫn chưa có hiệu lực vì London chưa giải quyết được các thách thức pháp lý đối với kế hoạch đưa người di cư đến Rwanda.

Các chuyên gia về di cư cho biết, các trại tị nạn dành cho người nhập cư bất hợp pháp trong kế hoạch, gồm Campsfield ở Oxfordshire, Haslar ở Hampshire và Bexhill ở Sussex, đang trong quá trình xây dựng và phải nhiều năm nữa mới đi vào hoạt động. Họ cảnh báo việc thiếu nơi giam giữ có thể dẫn đến việc hàng nghìn người trốn khỏi trại tị nạn, gây ra tình trạng vô gia cư và bị các nhóm tội phạm bóc lột. Bộ Nội vụ Anh cho biết đã mất liên lạc với 32% trong số 17.000 người đã rút đơn xin nhập cư vào tháng 9/2023.