Nhọc nhằn, nản chí và hy vọng
Giám đốc Trung tâm Hoa Xuyến Chi (Đức Giang, Yên Dũng, Bắc Giang), anh Vũ Văn Chức kể lại câu chuyện đầu tiên khiến anh mở trung tâm và quyết định sẽ dành toàn tâm, toàn lực để nuôi dạy và đào tạo các trẻ em tự kỷ. Đó là hình ảnh một phụ huynh đứng khóc với câu nói “Điều mà tôi chết không nhắm mắt được, đó là nếu tôi chết rồi, con tôi sẽ sống với ai?” đã ám ảnh anh Chức đến tận bây giờ.
Thế giới cũng đang “bó tay” với trẻ dậy thì tự kỷ nặng, thông dụng nhất là dùng thuốc an thần nhưng sẽ dẫn đến tăng cân, béo phì và kéo theo rất nhiều hệ lụy khác. Đau đớn thay, nhiều gia đình đành phải chọn cách nhốt con vào cũi cho an toàn, có bạn học sinh, bố mẹ phải trói tay, xích chân khi đưa con đến trung tâm nhập học. Đó là lý do anh Chức mở trung tâm với 3 hướng hòa nhập, nhân tài, hướng nghiệp đặc biệt, tập trung vào nhân tài và hướng nghiệp.
Từ khi mở trung tâm, ban đầu có vài em, rồi phụ huynh bảo nhau, những trẻ tự kỷ nặng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, khi không ở đâu nhận, thì về với Hoa Xuyến Chi. Có những em gia đình khó khăn tột cùng, không có tiền gửi thầy đóng tiền ăn, tiền học, chỉ có lúa gạo mang đến gửi con. Chức nhận nuôi dạy với một tình yêu thương và sẻ chia, như là sứ mệnh của mình phải giúp các em trên con đường trở thành một người bình thường. Vậy mà đã có nhiều em vượt qua được chính mình, để dần dần trở thành một đứa trẻ bảo ban được. Cháu Phạm Thành Nam năm nay 12 tuổi là trẻ tự kỷ nặng, hành vi tâm lý mạnh: Gào khóc, la hét, hay nói vô nghĩa một mình, đi hay cúi gằm mặt xuống đất. Nhằm giúp con điềm tĩnh, tập trung, giải phóng được năng lượng, quản lý cảm xúc tốt hơn, bố mẹ Nam đã cho con theo học nhiều nơi nhưng hành vi không thay đổi nhiều. Ngày 28/10/2023, Phạm Thành Nam về học tại Trung tâm Hoa Xuyến Chi Bắc Giang. Chỉ sau thời gian ngắn, với sự hướng dẫn của thầy Chức và chăm chỉ tập luyện không ngừng nghỉ, Nam đã có thành tích, hiện nay thường xuyên đi biểu diễn truyền nghị lực.
Hay em Ngô Thiện Phúc, sinh năm 2016 mắc chứng rối loạn phát triển lan tỏa. Khi còn nhỏ, cả gia đình Phúc sinh sống tại Nhật Bản. Sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của em về hành vi và giao tiếp, gia đình nghĩ em bị sốc văn hóa nên mẹ và em đã về Việt Nam sinh sống. Khi biết đến trung tâm, gia đình đã cho em theo học từ hè 2023. Ban đầu, Phúc giao tiếp không chú ý, liên tục hỏi và lặp lại một số câu, thường xuyên nổi cáu, ăn vạ bằng cách đánh bạn, chửi bậy, đập phá đồ đạc, lăn ra đất gào thét, đến bữa ăn hất đổ mâm cơm. Theo học tại trung tâm chỉ trong thời gian ngắn, Phúc đã dịch chuyển xuất sắc về hành vi và ngôn ngữ, khả năng thăng bằng và tập trung, đặc biệt là thăng bằng đa chiều trên bóng tạ thể lực 10 kg, hiện tại em cũng đã có thể đi biểu diễn truyền động lực và đang đăng ký kỷ lục Việt Nam, chuẩn bị đăng ký kỷ lục Guinness thế giới.
Anh Vũ Văn Chức chia sẻ, việc đăng ký hồ sơ kỷ lục Guinness là một trong những nỗ lực để các con hướng tới thành công. Danh hiệu chỉ là danh hiệu nhưng nó còn là một điểm đến đối với các con tự kỷ, vì chỉ có rèn luyện hằng ngày, có mục đích thì thầy và trò mới cố gắng hết mình được. Các trẻ tự kỷ hiện tại đang ở giai đoạn dậy thì, nếu không cùng các con học tập, rèn luyện kỹ năng, tiêu hao năng lượng để biến năng lượng lành trở nên thành quả, thì các con sẽ mãi chỉ là những đứa trẻ to lớn chứ chưa có được những nhận thức cần thiết. Dạy các con học hành, tập luyện chính là để các con tiến bộ mỗi ngày.
Ngoài việc thành công huấn luyện dịch chuyển các bạn từ đáng thương thành tấm gương truyền động lực ngược, trung tâm dịch chuyển nhiều bạn thành trợ giảng được miễn hoàn toàn học phí và hướng tới có trợ cấp, có lương như Gia Huy, Hoàng Lộc. Các con hiện tại đã không phải đóng tiền học, tiền ăn mà còn được nhận tiền mang về cho gia đình.
Trên cả đam mê là sứ mệnh
Anh Vũ Văn Chức tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ra trường đi làm, có thu nhập ổn định. Con đường Chức đi có vẻ khá bằng phẳng với một công việc bình thường như bao nhiêu người khác, thì bỗng một hôm, anh gặp được TS Tâm Việt, người dạy về kỹ năng sống và chăm sóc trẻ tự kỷ tại Hà Nội. Chức đã bỏ công việc đang làm và xin đến trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ của thầy Việt để làm việc, chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ tự kỷ tại nơi đây.
Kể từ đó, con đường của Chức bước sang một giai đoạn mới. Chức đã gặp vợ tại trung tâm, khi đó vợ Chức là cử nhân sư phạm. Hai vợ chồng trở về quê Bắc Giang lập nghiệp. Khi đó vợ Chức đang mang thai con thứ hai, con đầu thì mới 3 tuổi. Xây dựng trung tâm Hoa Xuyến Chi, gia đình, họ hàng đều phản đối. Ở nội trú, các bạn học sinh đều là lớn và nặng cân, các bạn gào thét, phá phách, ảnh hưởng đến mọi người và hàng xóm chung quanh. Áp lực trong nhà đã đành, lại còn gian nan về làm thủ tục thành lập trung tâm…
Cuối cùng mọi việc cũng đã hoàn thiện như bàn tay sắp xếp của số phận và những thông điệp cũng như đam mê mà vợ chồng Chức theo đuổi cũng đã bắt đầu có thành quả. Điều đặc biệt hơn cả là các con đến với trung tâm của Chức đều có sự tiến bộ, đó là điều khiến các bậc phụ huynh tin tưởng vào hành trình của Chức. Bố của cháu Lộc Sumo chia sẻ: Gia đình không tin nổi cháu thay đổi nhanh vậy, khi mới đến phải 6 người đè ra giữ cháu lại, với cân nặng gần 120 kg nên được thầy đặt biệt danh Lộc Sumo, chỉ sau chưa đến 3 tháng, cháu giảm xuống còn hơn 70 kg, ở nhà không ai bảo mà con nghe lời mà bây giờ bạn có thể đi thăng bằng thành thạo trên 2 bóng tròn 10 kg, ngoài ra còn làm trợ lý tiếp khách cho thầy Chức...
Cái tên Hoa Xuyến Chi được đặt theo tên một loài thuốc nam, khi đó thầy trò có trung tâm ở Đông Anh. Trong thời gian cách ly, món rau chính là rau xuyến chi mọc dại khắp trung tâm, ăn rất ngon và chế biến được rất nhiều món mà ít người biết. Thời gian sau này mới biết, đó là một cây thuốc nam rất quý. Hoa Xuyến Chi tượng trưng cho các bạn trẻ tự kỷ: Rất tự nhiên, rất hoang dã, mọc dại khắp đường nhưng qua tay người chế biến giỏi thì nó là món ăn đặc sản, qua tay thầy thuốc thì nó là cây thuốc nam vô cùng quý. Trẻ tự kỷ cũng vậy rất tự nhiên, rất hoang dã, sống bản năng nhưng nếu được giáo dục đúng cách thì sẽ thành kỳ tài, sống có giá trị, sống có ích cho xã hội.
Tết đến xuân về, 26 tháng Chạp các em sẽ được trung tâm tổ chức ăn tất niên, sau đó các em về nghỉ Tết. Tại buổi tất niên các em cùng tham gia gói bánh chưng, sau đó mang về nhà làm quà, ngoài ra các bạn được trải nghiệm đi chợ Tết bán sen đá cảnh ở chợ quê... Nhiều em gọi hai vợ chồng Chức là bố mẹ, gọi mẹ của Chức là bà nội vì các em đã được cho đi một tình yêu thương và sự chở che.
Các diễn giả hay có khẩu hiệu “hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Đến giờ nhìn lại hành trình mình đã trải qua, Vũ Văn Chức thầm cảm ơn những người đã đồng hành cùng mình và anh luôn cảm nhận có điều cao hơn đam mê, đó là sống theo sứ mệnh. Đam mê là điều làm mình thích, còn nghề huấn luyện trẻ tự kỷ nặng, dậy thì, không ai dám vỗ ngực nói là thích cả. Mà mất ăn, mất ngủ, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nhiều khi đổ máu vì bị các trẻ tự kỷ... đánh, nhưng sau tất cả, Chức vẫn hạnh phúc với nghề. Niềm hạnh phúc đó đơn giản lắm, đó là khi thấy một trẻ tự kỷ không thể có những hành vi đúng đắn khi đến với trung tâm đã có thể đi tiểu đúng chỗ, biết cầm đũa, đi được bóng, tung được quả bóng, còn vỡ òa khi bạn được kỷ lục, đi biểu diễn ở các nơi... Học sinh liên tục tiến bộ, phụ huynh tin tưởng, càng đi con đường càng rõ ràng và đó là điều khiến Chức tin con đường của mình là đúng đắn.
Chức cùng chia sẻ rằng, trước mắt Trung tâm sẽ tập trung mời thêm các chuyên gia về để huấn luyện nhân tài đa lĩnh vực như: X0iếc, khoa học, vẽ cho các em, sau đó sẽ triển khai chương trình “Hành trình Ý Chí Việt”, cho các bạn đi biểu diễn truyền động lực khắp cả nước, đặc biệt là đến với các bạn học sinh, sinh viên.