Theo The Strait Times, một nam nhân viên truyền thông (35 tuổi) ở Singapore nhận thấy mức độ căng thẳng của mình đã chạm ngưỡng báo động, khi anh thường xuyên khó ngủ, mất cảm giác thèm ăn và gặp ác mộng liên quan công việc. Nguyên nhân của tình trạng này tương đối rõ ràng, đó là môi trường làm việc của anh ngày càng trở nên độc hại và anh không thể kết nối lành mạnh với đồng nghiệp. Tháng 8/2023, lao động giấu tên này đã quyết định nghỉ việc vài tháng để chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần trước khi tìm việc mới.
Trao đổi ý kiến với The Strait Times, nhiều chuyên gia nhận định xu hướng “career breaks” (tạm dịch là “kỳ nghỉ sự nghiệp”) đang gia tăng trong lực lượng lao động trẻ tại Singapore, song chưa phổ biến ở khu vực công. Mỗi khoảng nghỉ thường kéo dài từ vài tháng tới một năm nhằm cải thiện tình trạng kiệt sức hay tìm hướng đi mới cho sự nghiệp. Theo bà Xu Le, giảng viên Khoa Chiến lược và Chính sách tại Trường Kinh doanh - Đại học Quốc gia Singapore, xu hướng này không chỉ hiện hữu ở Singapore mà còn tại các quốc gia khác như Mỹ, khi giới trẻ ngày càng có nhu cầu về một công việc đem lại cho họ sự cân bằng.
“Họ đã nhận ra tầm quan trọng của việc có một cơ thể khỏe mạnh, một đời sống vui vẻ và tự do”, bà Xu Le chia sẻ. Trong khi đó, John Shepherd Lim - Giám đốc Phúc lợi của Trung tâm Tham vấn Singapore cho biết, kiệt sức và muốn né tránh công việc là hai nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng người lao động nghỉ việc dài ngày.
Cũng theo bà Xu Le, việc có nhiều lựa chọn mới trên thị trường việc làm cũng là yếu tố thúc đẩy người trẻ mạnh dạn nghỉ việc. “Trong những năm qua, nền kinh tế sáng tạo đã phát triển rất nhanh mà nổi bật là hình thức phát video trực tuyến (streaming). Điều này đang mang đến nhiều cơ hội làm việc mới và linh hoạt hơn cho người lao động”, bà nói. Về phía nhà tuyển dụng, ông Lim cho rằng, thực tế này đang dần được các công ty chấp nhận và thấu hiểu do định kiến về sức khỏe tâm thần đã giảm.
Jamie MacLennan, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Telus Health cho biết, hiện có nhiều lao động cảm thấy căng thẳng trong công việc hơn so trước đại dịch Covid-19. Không chỉ vậy, hơn một nửa (52%) trong số khoảng 1.000 lao động Singapore mà Telus Health khảo sát vào năm 2023 cũng nói rằng họ nhạy cảm hơn với căng thẳng so năm 2022. “Lao động trẻ có mức độ lo âu cao hơn so với lao động lớn tuổi. Họ sẽ cảm thấy cô độc nếu bị mất kết nối và thiếu sự cảm thông trong công việc”, MacLennan chia sẻ với The Strait Times.
Bên cạnh những lợi ích rõ ràng của “kỳ nghỉ sự nghiệp”, các chuyên gia cũng cảnh báo về những bất lợi đi kèm. Ông Tan, đại diện của Công ty tuyển dụng Robert Walters nhận định, nhà tuyển dụng có thể đặt câu hỏi về khoảng nghỉ trong lịch sử làm việc của người lao động. Tùy vào độ dài của thời gian nghỉ và tính chất của ngành mà nhà tuyển dụng sẽ đánh giá kỹ năng và kiến thức của ứng viên đã trở nên lỗi thời hay chưa, từ đó ảnh hưởng khả năng đàm phán lương và phúc lợi của ứng viên. Song, cũng có một số nhà tuyển dụng nhìn nhận giai đoạn nghỉ việc như một dấu hiệu tích cực, cho thấy ứng viên biết quan tâm tới sức khỏe, dù phần lớn sẽ tỏ ra nghi ngại đối với tiềm năng cống hiến của người lao động. Vì vậy theo ông Tan, để hạn chế tâm lý ngần ngại của nhà tuyển dụng, người lao động vẫn nên cập nhật các xu hướng mới của thị trường trong thời gian nghỉ.
Cuối cùng, khi phỏng vấn cho công việc mới, người lao động cần trao đổi thẳng thắn với công ty về giai đoạn nghỉ việc của mình, đồng thời nhấn mạnh các kỹ năng và trải nghiệm học được trong thời gian này có thể áp dụng cho vị trí ứng tuyển ra sao. Min (29 tuổi) - một nữ nhân viên của ngành công nghệ bộc bạch: “Kỳ nghỉ sự nghiệp đã cho tôi cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ và gặp gỡ những người thú vị. Tôi đã trở thành một phiên bản tự tin hơn với nghị lực mãnh liệt trong mình, điều chỉ có được khi tôi quyết định nghỉ làm để đi du lịch một mình suốt sáu tháng”.