Chiến lược dài hơi
UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển thành phố của Tổ công tác liên ngành theo Quyết định số 627/QĐ-UBND ngày 2/3/2022. Theo đó, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 phát triển cảng biển (trong nhóm cảng biển số 4) đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Cùng với đó, đưa tổng sản lượng hàng hóa của cảng biển TP Hồ Chí Minh và các cảng biển khác trong nhóm cảng biển số 4 đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 461-540 triệu tấn (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEU); hành khách từ 1,7-1,8 triệu lượt khách.
Song song đó, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, đường thủy), hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics... kết nối hệ thống hạ tầng cảng biển thành phố đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; nghiên cứu quy hoạch, sớm đầu tư cảng container trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ... Đến năm 2050, xây dựng hoàn thiện cảng biển TP Hồ Chí Minh đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh; đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh và nước phát triển, thu nhập cao. Đưa tổng sản lượng hàng hóa của cảng biển TP Hồ Chí Minh và các cảng biển khác trong nhóm cảng biển số 4 tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5-3,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1%/năm.
Trong khi đó, theo quy hoạch, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng cộng 69 dự án cảng biển với công suất thiết kế 278 triệu tấn/năm. Đồng thời, chủ trương phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải là một trong những mô hình mới đang được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cho Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.
Hiện, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 50 dự án cảng biển đang hoạt động với công suất 252 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư các dự án khoảng 5 tỷ USD. Trong đó, cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải là một trong 20 cảng biển có thể tiếp cận các tàu container lớn nhất thế giới. Đây cũng là cụm cảng duy nhất ở các tỉnh phía nam có những chuyến tàu đi thẳng đến châu Âu, châu Mỹ mà không phải qua cảng trung chuyển của các nước. Với tần suất khoảng 32 chuyến tàu container/tuần, năm 2021, cảng được xếp hạng thứ 11/370 cảng có hiệu quả hoạt động tốt nhất thế giới.
Với vai trò của cảng Cái Mép-Thị Vải, theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp, với nhiều lợi thế, khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải hội tụ các điều kiện để hình thành khu thương mại tự do dựa trên một hệ sinh thái vùng đa dạng gồm nhiều tầng lớp, nền tảng hỗ trợ. Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ là nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách và là vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước; chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa cùng hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam. Các yếu tố này chính là tài nguyên, nguồn lực quan trọng và bền vững, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là lý do Bộ Chính trị thống nhất chủ trương chọn Cái Mép Hạ để thiết lập mô hình khu thương mại tự do nhằm tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Cái Mép một trong những cảng biển hiện đại bậc nhất trong khu vực. Ảnh: THÀNH HÀ |
Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu
Để thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố thực hiện ba nhóm giải pháp gồm: Tham mưu, đề xuất về tổ chức thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng “Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển thành phố theo quy hoạch và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030”. Mặt khác, xây dựng “Kế hoạch di dời, chuyển đổi công năng phù hợp quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của thành phố đối với khu bến trên sông Sài Gòn”; Nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án cảng container trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. “Việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nhằm khai thác cao nhất vai trò của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ. Đây là dự án mang tính bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trước đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc thành phố cùng Bộ Giao thông vận tải đã nghe Tập đoàn MSC/TIL - hãng tàu container lớn thứ hai thế giới báo cáo về đề xuất dự án đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Do đó, UBND thành phố đề xuất xây cảng trung chuyển quốc tế công suất gấp gần ba lần cảng Cát Lái, tổng đầu tư 6 tỷ USD được đề xuất xây dựng ở huyện Cần Giờ để tạo đột phá kinh tế biển TP Hồ Chí Minh. Dự án có quy mô hơn 7km cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEUs), công suất thông qua khoảng 10-15 triệu TEUs. Khu cảng trung chuyển dự kiến chia làm 7 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 làm vào đầu năm 2024, khai thác bốn năm sau đó. Giai đoạn cuối sẽ được hoàn thành năm 2040.
Còn về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, trong đó có chủ trương về hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập quy hoạch trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích hơn 1.686ha.
Để sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ khẩn trương xác định vị trí, quy mô khu thương mại tự do; giao cơ quan chuyên môn xác định cụ thể diện tích, địa điểm xây dựng khu thương mại tự do với tọa độ địa lý, ranh giới cụ thể... Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xây dựng hệ thống chính sách phát triển khu thương mại tự do đồng bộ, cạnh tranh và hiệu quả, làm sao tạo công ăn việc làm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút ngoại tệ và tạo ra giá trị gia tăng cao. “Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khu vực trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới, là động lực để vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước” ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) Nguyễn Cảnh Tĩnh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài bờ biển khoảng 300km; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức tiếp tục được đầu tư, đồng bộ, hiện đại như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4, cầu Phước An, sân bay Côn Đảo... Do đó, việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với hành lang công nghiệp-đô thị Đông Tây (dài gần 300km) phía nam đất nước sẽ tạo ra lợi thế so sánh vượt trội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung trong giai đoạn phát triển mới.